Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Chủ nhật, 25/08/2024 07:08
TMO - Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định, Thái Bình gặp khó khăn do nguồn vật liệu cát sông rất khan hiếm, chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình dài trên 33km, với 19 xã của 2 huyện Thái Thụy và Kiến Xương; đoạn qua tỉnh Nam Định dài 27,6km, với 21 xã của 4 huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường. Sau khi dự án hoàn thành sẽ kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến TP.Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên hành lang vận tải nói trên.
Về nguồn cát đắp nền đường phục vụ dự án, tổng khối lượng ước tính khoảng trên 13,2 triệu m3. Trong đó, tỉnh Thái Bình cần khoảng 6,85 triệu m3, qua khảo sát, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng cung cấp nhu cầu dự án trong phạm vi đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình. Nhu cầu cát đắp trên địa bàn tỉnh Nam Định là trên 6,37 triệu m3.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải mới triển khai thí điểm cát biển làm nguồn vật liệu đắp, chưa triển khai đại trà trên cả nước nên việc đưa cát biển làm nguồn vật liệu đắp gặp nhiều vướng mắc trong công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Do nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng nên dự án chưa hoàn thành thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn tới việc bố trí vốn cho dự án năm 2024, 2025 chưa xác định được cụ thể.
(Ảnh minh họa).
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Nam Định vừa có cuộc họp thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và những giải pháp thực hiện đối với dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án và khẳng định quyết tâm khởi công dự án trong năm 2024, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị chính quyền 2 tỉnh cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án. Các sở, ngành, địa phương có liên quan cần rút kinh nghiệm, tăng cường công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn cung vật liệu triển khai dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị 2 tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương. Đồng thời, chủ động liên hệ với các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Ninh Bình về các mỏ đất, mỏ đá phục vụ dự án. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị tỉnh Nam Định cung cấp thông tin về một số mỏ cát biển, trên cơ sở đó khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng để đề xuất phương án khai thác phục vụ thi công dự án.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng; chủ động phương án hỗ trợ bồi thường tái định cư. Về phía nhà đầu tư cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong triển khai công việc, kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền những khó khăn vướng mắc để chủ động tháo gỡ, tập trung đẩy nhanh tiến độ công việc.
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6048/VPCP - CN gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Giang để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp thực hiện Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh nói trên phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình trong việc khảo sát, đánh giá nguồn cung vật liệu san lấp (đất, đá, cát) cho Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội và Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng là công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia được đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27/01/2024 của Chính phủ. Khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu liên kết vùng, liên vùng, tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của hai tỉnh Thái Bình và Nam Định nói riêng và khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Lê Hưng
Bình luận