Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 00:01
Thứ bảy, 15/07/2023 07:07
TMO - Từ năm 2023 đến 2025, các dự án giao thông trọng điểm của Đồng Nai cần hơn 23 triệu m3 đất san lấp. Để đảm bảo nguồn cung đất san lấp cho các công trình này, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu trên.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, từ thành phố Biên Hòa đến huyện Long Thành. Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 11km thuộc huyện Nhơn Trạch. Để phục vụ thi công hai dự án giao thông này, theo ước tính sẽ cần khoảng 6,5 triệu m3 đất đắp nền, trong đó, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cần 5,7 triệu m3 và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 0,85 triệu m3.
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu về đất san lấp cho các dự án nói trên, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư tiến hành khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp phục vụ thi công. Kết quả cho thấy, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 mỏ đất đắp thương mại đang khai thác là mỏ Tân Cảng 7 và mỏ Núi Nứa với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m3 là có thể sử dụng được.
Nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án 85, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 2, Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 đã có văn bản đề xuất với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1), cho phép nghiên cứu, đánh giá chất lượng, phân loại và tận dụng nguồn đất đào dư thừa tại dự án sân bay Long Thành để sử dụng làm vật liệu đất đắp cho đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho rằng, việc xây dựng sân bay với diện tích 5.000ha với khối lượng đất đào đắp khoảng 115 triệu m3 nên nguồn vật liệu san nền giai đoạn 1 của dự án cơ bản đủ. Mặt khác, giai đoạn 2 của dự án triển khai sau năm 2030, nguồn đất dự trữ tận dụng điều phối, hạ cốt nền trên phạm vi công trường dự án sân bay Long Thành chỉ đủ dùng, thậm chí còn thiếu 1-2 triệu m3.
Tỉnh Đồng Nai triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn đất san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm triển khai. Ảnh: HB.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai đồng loạt nhiều dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án lớn của địa phương khiến công suất khai thác từng mỏ có khả năng không đáp ứng tiến độ yêu cầu. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có 8 dự án giao thông quốc gia và của tỉnh triển khai, riêng về nguồn đất san lấp cần đáp ứng tới 23 triệu m3. Trong đó, đối với 4 dự án giao thông do Trung ương triển khai gồm: Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, đường Vành đai 3 - TPHCM, đường Vành đai 4 - TPHCM, nhu cầu về nguồn đất san lấp hơn 16 triệu m3.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn, Đồng Nai đã quy hoạch và khoanh định 95 khu vực với diện tích hơn 500ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp lại rất khó khăn vì thủ tục cấp phép phức tạp.
Theo quy định Luật Khoáng sản năm 2010, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do vậy, việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản. Đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, các mỏ thường có diện tích, trữ lượng nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 5 năm), có giá trị về mặt kinh tế thấp. Mặc dù vậy, các thủ tục cấp phép phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. nhân ít đầu tư các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung thi hành Luật Khoáng sản theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm và cụ thể hóa các hướng dẫn để địa phương làm cơ sở thực hiện.
Theo đó, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp. Trước mắt, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để địa phương cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi (có lớp đất sỏi đáp ứng tiêu chuẩn làm đường) không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện tháo gỡ các khó khăn liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Nội dung công điện nêu rõ, dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023. Song, tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn vậy liệu xây dựng thông thường, UBND các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được chủ đầu tư, nhà thầu trình.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công. Trước thực trạng đó, một trong những nhiệm vụ được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải thành lập tổ công tác gồm lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an (là thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải) và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm việc với tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan.
Đức Hải
Bình luận