Hotline: 0941068156
Thứ năm, 03/07/2025 20:07
Thứ năm, 03/07/2025 12:07
TMO - Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá đất được điều chỉnh mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc bỏ khung giá đất cùng với những quy định về bảng giá đất đã giúp quản lý đất đai, phát triển thị trường địa ốc được mở ra trên cơ sở minh bạch, tiệm cận hơn với thị trường.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện bảng giá đất vừa qua, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều giá đất thực tế trên địa bàn. Ngoài ra, tại một số địa phương có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá.
Từ quý IV năm ngoái đến nay, một số địa phương ban hành bảng giá đất điều chỉnh và cũng có sự gia tăng lớn so với mức áp dụng từ năm 2019.Tại TP.HCM, giá đất tại bảng điều chỉnh áp dụng đến hết năm 2025 cũng tăng từ 4 đến 38 lần (chưa tính hệ số K), nhưng vẫn thấp hơn thị trường khoảng 25-50%. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại một số bất cập. Mới đây, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thành phố đã đề xuất tăng giá đất nông nghiệp lên bằng 65-70% giá đất ở, nhằm giảm gánh nặng tiền sử dụng đất cho người dân.
UBND TP.Đà Nẵng cũng ban hành bảng giá đất mới, có hiệu lực từ ngày 7/7. Giá đất ở đô thị tăng mạnh nhất 125-172% so với bảng giá đất cũ. Cụ thể, giá đất ở cao nhất được ghi nhận tại đường Bạch Đằng (ven sông Hàn), đoạn từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, lên tới hơn 340 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng gần 1,2 lần so với đợt điều chỉnh đầu năm, vốn đã hơn 286 triệu đồng/m2...
Các tỉnh, thành phố cần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội khi ban hành bảng giá đất mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.
Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị cần theo dõi, cập nhật kịp thời biến động giá đất trên thị trường, đồng thời từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa đất. Theo Bộ, tại những khu vực hoặc vị trí cần áp dụng bảng giá đất nhưng chưa phù hợp với thực tế, UBND cấp tỉnh căn cứ quy định pháp luật và điều kiện cụ thể tại địa phương để điều chỉnh bảng giá đất, thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 17, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Bộ, các quy định về giá đất tại nghị định này dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định trong một số luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan khác nhằm đánh giá tổng thể tác động qua lại đến giá nhà, đất.
Cần mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng bảng giá đất, đồng thời thu hẹp các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể. Quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình tính thu nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát bảng giá đất đã ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 để xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho xây dựng bảng giá mới có hiệu lực 1/1/2026.
Bộ cũng lưu ý, trong quá trình điều chỉnh phải tập trung vào phân tích, đánh giá tác động, có lộ trình phù hợp, xác định khu vực, vị trí hợp lý đối với từng loại đất. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng cần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan để đảm bảo sự đồng thuận của cơ quan thẩm định và các đối tượng chịu tác động, hạn chế phản ứng bất bình trong xã hội./.
Thanh Hà
Bình luận