Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 05:11
Thứ sáu, 02/08/2024 12:08
TMO - Tỉnh Sơn La đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.
Sơn La là địa phương có tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tương đối đa dạng, trữ lượng lớn, sẵn có như: Đá vôi, đất san lấp, đá làm cát nhân tạo, cát lòng sông với 162 mỏ khoáng sản đã được tỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, 17 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ (không phải VLXDTT) được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao UBND tỉnh quản lý, đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
Năm 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 1/4/2023 của Chính phủ về chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Lập phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tính đến tháng 2/2024, UBND tỉnh cấp 58 giấy phép thăm dò khoáng sản; 62 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 18 giấy phép khai thác khoáng sản; 95 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; thu hồi 22 giấy phép khai thác khoáng sản; lập kế hoạch và thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 60 khu vực khoáng sản.
Hướng tới mục tiêu khai thác khoáng sản phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng cơ quan nào cấp chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản, phải có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Sở TN&MT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: BSL.
Tại huyện Sốp Cộp, hằng năm UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của Luật Khoáng sản. Xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND huyện với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên trong việc ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện. Thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh, ngăn chặn, xử lý hiện tượng có các hộ dân tự ý san lấp, đổ đất hai bên quốc lộ 4G, tỉnh lộ, các tuyến đường do huyện, xã quản lý và dọc 2 bên bờ các con suối Nậm Lạnh, Nậm Ca, Nậm Ban để làm nhà, trồng cây ăn quả…
Huyện đã tổ chức ký cam kết nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nếu để xảy ra hoạt động khai thác trái phép khoáng sản thành điểm nóng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho nhân dân sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chú trọng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực có tiềm năng về khoáng sản nhưng chưa cấp phép hoặc các khu vực tiềm ẩn xảy ra khai thác khoáng sản trái phép.
Là địa phương có các điểm mỏ đang hoạt động khai thác khoáng sản, huyện Mộc Châu, đã thành lập 2 đoàn kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản trên địa bàn. UBND huyện Mộc Châu cho biết: Từ năm 2023 đến nay, huyện phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa, cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 4 điểm mỏ; kiểm tra, xử lý kịp thời một số doanh nghiệp vi phạm.
Tại huyện Sông Mã, cùng với triển khai tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, UBND huyện Sông Mã tăng cường giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác tại các mỏ, với mục đích đảm bảo các hoạt động khai thác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về môi trường và tài nguyên.
UBND huyện Sông Mã đã ban hành Công văn số 1869/UBND-TNMT về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện. Trong đó, UBND huyện đã giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo chủ đầu tư phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguyên vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp của các nhà thầu thi công; chỉ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán đối với phần khối lượng cát, sỏi và đất san lấp có nguồn gốc hợp pháp. Kiên quyết không nghiệm thu và thanh, quyết toán đối với phần khối lượng của các dự án, công trình sử dụng vật liệu khoáng sản không hợp pháp.
Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang khai thác cát trái phép trên sông Mã và việc tổ chức tập kết cát, sỏi trái phép. Kiên quyết xử lý nghiêm những bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng sai quy định, không để việc lợi dụng bến bãi tập kết để tiêu thụ cát, sỏi trái phép. Trường hợp phát hiện vi phạm, đề nghị xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức cho 19.230 hộ gia đình, cá nhân ký cam kết thực hiện về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2024.
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, tỉnh Sơn La tiếp tục thanh tra, kiểm tra các mỏ khoáng sản chấp hành quy định của pháp luật đối với tổng thể các lĩnh vực đầu tư, khoáng sản, môi trường, đất đai, vật liệu nổ... Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản; phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam rà soát, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để bàn giao cho tỉnh quản lý. Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ quản lý nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh, huyện, xã.
Trong năm 2024, tỉnh Sơn La tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT đảm bảo tiến độ và đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Tổ chức đấu giá 100% các mỏ đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố. Đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố, có ít nhất 1 mỏ đá trở lên, làm VLXDTT được cấp phép khai thác. Đến năm 2030, tỉnh có ít nhất 1 nhà đầu tư hoạt động sản xuất tái chế, tái sử dụng chất thải rắn xây dựng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Sơn La đã kiến nghị Bộ TN&MT sớm nghiên cứu ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật, phương pháp, cách thức tính toán, xác định được số lợi bất hợp pháp thu được trong lĩnh vực khoáng sản. Đồng thời, giao Sở TN&MT phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và rà soát, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để bàn giao cho tỉnh quản lý. Nâng cao trình độ, năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản cấp tỉnh, huyện, xã.
Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ngoài ra, yêu cầu chủ các điểm mỏ lắp đặt các trạm cân, camera giám sát kết nối về các phòng chuyên môn để nắm chắc, quản chặt trữ lượng, sản lượng khai thác khoáng sản, làm cơ sở tính mức thu thuế, phí, tránh thất thu ngân sách. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản trong điều kiện cán bộ chuyên ngành còn mỏng, địa bàn phụ trách xa.../.
Thu Hường
Bình luận