Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ bảy, 16/07/2022 06:07
TMO - Việc đảm bảo an toàn đập, hồ thủy lợi góp phần phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Công tác này còn đặc biệt quan trọng nhất là vào thời điểm trước mùa mưa lũ để hạn chế thấp nhất những thiệt hại từ thiên tai.
Vừa qua, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị Nâng cao công tác quản lý an toàn đập, công trình thủy lợi vùng Trung Bộ, Tây nguyên và Đông Nam Bộ với sự tham dự của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi của 26 tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây nguyên và Đông Nam Bộ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi ông Nguyễn Văn Tỉnh thông tin theo quyết định phân loại hồ chứa của các địa phương và qua rà soát của Tổng cục, hiện cả nước đã xây dựng được 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó có 592 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập trên 1.180 km, tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp; đồng thời cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Việc đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa lũ phải đặc biệt được chú trọng nhằm giảm thiệt hại thiên tai
Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 9 hồ chứa liên tỉnh. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý khai thác 2.264 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ, chiếm 33,5%; còn lại các đơn vị cấp huyện quản lý các hồ nhỏ.
Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý. Theo đó, 100% số hồ được kiểm tra theo quy định; 90% số hồ có cửa van, có quy trình vận hành được duyệt; 78% số hồ được đăng ký an toàn đập; 73% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy lợi tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Trên cả nước hiện còn 934 hồ, chủ yếu là hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ. Nguyên nhân là do các hồ đã xây dựng từ rất lâu, kinh phí bảo trì, sửa chửa thiếu, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa còn hạn chế.
Để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36/KL-TW ngày 23/6 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045; đồng thời thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
Trong giai đoạn 2021-2025 Tổng cục sẽ sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa quan trọng đặc biệt; hồ chứa liên tỉnh; một số hồ chứa dung tích lớn và hồ chứa bị hư hỏng nặng có nguy cơ vỡ trong điều kiện vận hành bình thường với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng; đồng thời tranh thủ nguồn vốn vay từ Dự án WB8 (dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập) sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với các hồ trong dự án.
Các hồ chứa nước, đập thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại các địa phương
Đặc biệt, trong thời gian tới Tổng cục sẽ đôn đốc các địa phương triển khai sửa chữa và nâng cấp 68 công trình được Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vốn tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc quản lý, khai thác một cách hiệu quả nhất.
Các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn đập, hồ thủy lợi; trong đó cần quan tâm đến: quy trình vận hành, lập phương án ứng phó khẩn cấp; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa; sớm sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao trước lũ chính vụ năm 2022 và sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình còn lại.
Đồng thời, cũng cần rà soát phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiên theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Hải Hà
Bình luận