Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 20/01/2024 11:01
TMO - Việc công bố các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông là căn cứ quan trọng, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông; hướng tới tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên 3 lưu vực sông.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là khi Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, với mục tiêu tổng thể là bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước; đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm thực vật và đa dạng sinh học.
Đáng chú ý, các Quy hoạch được công bố công khai sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, và doanh nghiệp đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt, từ đó sẽ giúp người dân doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tin tưởng vào nhà nước.
Các Quy hoạch được phê duyệt nhằm bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước...
Các Quy hoạch được phê duyệt nhằm bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các quy hoạch trên được kỳ vọng sẽ từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Trong đó, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt được một số chỉ tiêu cơ bản của quy hoạch như: 60% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định... Tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản, di tích lịch sử văn hóa và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu 100% các vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát, có lộ trình giám sát tự động, trực tuyến phù hợp; 100% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa không được san lấp được công bố và quản lý chặt chẽ; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% đô thị có hệ thống xử lý nước thải;...
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học.
Các Quy hoạch đều hướng đến mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Các địa phương phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để bảo đảm các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị căn cứ vào những nội dung của Quy hoạch của các lưu vực sông, các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong Bộ để đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, sớm nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để điều hòa, phân phối nguồn nước; vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực để tiến dần đến quản lý, điều hòa nguồn nước trên cơ sở các quy hoạch bằng công cụ số.
Với quan điểm tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng và giữa các địa phương trên cùng lưu vực, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ phải tăng cường hơn nữa phối hợp, kết hợp với các bộ, ngành, địa phương, phân định rõ trách nhiệm để việc quản lý tài nguyên nước sẽ đảm bảo được mục đích, yêu cầu của từng dòng sông, từng địa phương, đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm làm “sống lại các dòng sông chết”, từ đó sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để vừa có thể phòng ngừa những vi phạm, đồng thời có những đánh giá tổng thể và đưa ra các giải pháp để từ đó tham mưu các chính sách cho Bộ, Chính phủ chỉ đạo kịp thời đáp ứng với thực tiễn đặt ra đảm bảo lợi ích hài hoà giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Quy hoạch và là kênh thông tin phản hồi cho Bộ để các Quy hoạch được triển khai hiệu quả. Trong đó, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị, cơ quan sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng các quy hoạch đảm bảo chất lượng, làm tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cục Quản lý tài nguyên nước cần phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Cục sớm nghiên cứu triển khai xây dựng Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để điều hòa, phân phối nguồn nước; vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực để tiến dần đến quản lý, điều hòa nguồn nước trên cơ sở các quy hoạch bằng công cụ số; khẩn trương xây dựng và công bố Kịch bản nguồn nước trên 13 lưu vực sông lớn vào đầu năm 2025...
Ngọc Lan
Bình luận