Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ năm, 13/04/2023 04:04
TMO - Đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Xác định được tầm quan trọng này, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực tìm giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch, bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Quảng Ninh hiện có 4 con sông lớn, gồm: Sông Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Ngoài 4 sông lớn trên, Quảng Ninh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài từ 15-35km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300km2, được phân bố dọc theo bờ biển. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tổng lượng tài nguyên nước mưa trên địa bàn tỉnh khoảng 11 tỷ m3/năm, tổng lượng nước mặt khoảng 7 tỷ m3/năm, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm.
Trên địa bàn tỉnh còn có 176 hồ chứa nước đang hoạt động hoặc đang đầu tư xây dựng (dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2025) với tổng dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3, trong đó có 27 hồ chứa thực hiện cấp nước đa chức năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, KCN, sinh hoạt, tổng dung tích hữu ích 257,43 triệu m3; tổng năng lực thiết kế tưới 25.355,5ha đất nông nghiệp, 1.500ha nuôi trồng thủy sản... Dự báo nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm, đến năm 2025 tăng gấp 1,4 lần so với hiện tại, đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với hiện tại. Nhu cầu sử dụng nước hiện tại là hơn 431 triệu m3; dự báo đến năm 2025 là trên 597 triệu m3, đến năm 2030 là 646 triệu m3.
Hồ Khe Chè (xã An Sinh, TX Đông Triều) là công trình thủy lợi cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt tại địa phương. Ảnh: Lê Nam.
Trong bối cảnh áp lực từ gia tăng dân số, phát triển kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng nước, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng ANNN của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt hướng đến mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu nước của tỉnh trên cơ sở cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các huyện, vùng, miền, lưu vực sông.
Giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ điều chỉnh, bổ sung hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh; từng bước thay thế nguồn nước thô ổn định cấp cho sinh hoạt từ hệ thống hồ chứa, đập dâng, công trình thủy lợi; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tạo nguồn tại chỗ để phục vụ cấp nước sinh hoạt trong trường hợp sự cố về nguồn nước, xảy ra thiên tai (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ ngập lụt, úng).
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, sẽ đầu tư xây dựng các hồ chứa nước tại các vùng thiếu nước và các đảo dân sinh, hệ thống chuyến nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ. Phấn đấu tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị sẽ đạt trên 98%. Định mức cấp nước sạch đối với đô thị loại I là 180 lít/người/ngày đêm; đô thị loại II, III là 160 lít/người/ngày đêm; đô thị loại IV, V là 130 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, trong đó 80% sử dụng nước sạch, định mức cấp nước là 80 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước khu công nghiệp tập trung đạt 100% diện tích sử dụng đất khu công nghiệp với định mức cấp nước là 45 m3/ha/ngày đêm.
Đảm bảo cấp nước chủ động cho 85% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, 90% diện tích cây trồng cạn. Cung cấp đủ nước cho chăn nuôi, định mức cấp nước: Trâu bò là 65 lít/ngày đêm/con; lợn, dê là 25 lít/ngày đêm/con; gia cầm là l,51ít/ngày đêm/con. Đồng thời cấp nước chủ động cho nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.
Định mức cấp nước cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Quảng Ninh là: 10.000m3/ha/năm; nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là: 14.000m3/ha/năm. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Quảng Ninh đề ra các giải pháp như rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh; từng bước thay thế nguồn nước thô ổn định cấp cho sinh hoạt từ hệ thống hồ chứa, đập dâng, công trình thủy lợi; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tạo nguồn tại chỗ để phục vụ cấp nước sinh hoạt trong trường hợp sự cố về nguồn nước, xảy ra thiên tai (hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ ngập lụt, úng).
Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn, mặn, sử dụng ít nước cho những vùng khan hiếm nước. Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất theo tần suất thiết kế, đáp ứng được yêu cầu chống chịu mưa, lũ lớn, dài ngày kết hợp với các giải pháp khác chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai bất lợi.
Các đơn vị chú trọng hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, đảm bảo nguồn nước.
Các đơn vị chức năng của Quảng Ninh cũng có nhiệm vụ hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; hệ thống giám sát vận hành, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho các đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của pháp luật; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực công nghệ cho tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.
Quảng Ninh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi, hạ tầng cấp nước đô thị, nông thôn và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên các sông liên quốc gia giữa việt Nam và Trung Quốc. Phối hợp với các địa phương biên giới của Trung Quốc thực hiện Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển chất thải nguy hại qua biên giới…
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu duy trì và đảm bảo an toàn công trình các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh (176 hồ chứa nước đang hoạt động, 102 trạm bơm tưới, tiêu các loại, 460 đập dâng nước): Giai đoạn đến năm 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng, 6 trạm bơm, cải tạo hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước đảm bảo đồng bộ, phù hợp với kết cấu hạ tâng kỹ thuật trên khu vực; Giai đoạn 2026-2030 sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 20 đập dâng, 47 trạm bơm.
Giai đoạn đến năm 2025 đầu tư xây dựng mới 3 hồ chứa nước; giai đoạn 2026-2030 đầu tư xây dựng mới 16 hồ chứa nước 4 đập dâng nước, 1 nhà máy nước sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ (tại khu vực Cẩm Phả), 1 công trình chuyển nước sạch từ Cửa Ông sang Vân Đồn. Dự kiến tổng mức đầu tư cho các giải phápnhằm đảm bảo cung cấp đủ nước, nước sạch trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025 khoảng 2.124,5 tỷ. Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 975,5 tỷ, ngân sách cấp huyện, khoảng 444,0 tỷ cộng với nguồn vốn khác (doanh nghiệp), khoảng 705,0 tỷ. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.228,5 tỷ.
Nguyễn Lan
Bình luận