Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Chủ nhật, 08/12/2024 06:12
TMO - Thực hiện chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước; bảo vệ, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và giảm thiểu tác hại do nước gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Hiện nay, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề được các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Theo thống kê, cả nước có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều văn bản có liên quan đến nguồn nước, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Để giải quyết tình trạng thiếu nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.
Từ đó từng bước điều hòa lượng nước trong mùa mưa và phân bổ trong mùa cạn. Đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để dự trữ nước trong mùa mưa nhằm phục vụ cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa nắng khô hạn, hạn chế tác động đến sinh hoạt và sản xuất do thiếu nước. Hiện nay, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có các quy định mới trong điều hòa phân phối, bảo đảm an ninh nguồn nước, công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu.
Trong đó, nguyên tắc ưu tiên trong điều hòa phân phối tài nguyên nước là ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt. Luật cũng có các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tại các lưu vực sông; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa hướng tới theo thời gian thực; các phương án khai thác sử dụng nước trong các quy hoạch tỉnh và các quy định về khai thác, sử dụng nước và sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm nước… Việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc phân bổ tài nguyên nước.
Đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng. (Ảnh minh hoạ).
Trong các năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô, nắng nóng trên các lưu vực sông, nhất là lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ngoài các quy định mới trong Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Điều này góp phần giải quyết trong phòng, giảm lũ và đặc biệt là đảm bảo cấp nước hạ du các lưu vực sông, trong đó ưu tiên điều tiết nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành liên hồ chứa, theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa. Vào mùa cạn, tăng cường hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành.
Thống nhất phương án điều tiết nước các hồ chứa lớn, quan trọng để đảm bảo đủ nguồn nước cấp cho hạ du; nâng cao chất lượng trong công tác dự báo, cảnh báo; cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng thủy văn và thông tin vận hành các hồ chứa. Cùng với đó là đôn đốc, chỉ đạo kịp thời các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp cấp bách giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du.
Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa (trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn) và trình Thủ tướng 3 Chính phủ ban hành theo hướng linh hoạt, trong đó đảm bảo hài hòa trong việc cấp nước cho các mục đích sử dụng nước hạ du trong đó có sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng các quy hoạch tổng lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Cửu Long, sông Sê San.
Hiện, Bộ đang tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng hợp cho các lưu vực sông còn lại, trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2024. Đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, việc xây dựng quy hoạch nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực, quản lý khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, phát triển bền vững tài nguyên nước, trong đó việc đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất hạ du đã được xem xét và ưu tiên trong xây dựng quy hoạch... Căn cứ vào các quy hoạch đã phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước đối với các lưu vực sông.
Cung cấp đủ nước giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp được thuận lợi. (Ảnh minh hoạ).
Trong đó xác định khung trạng thái nguồn nước (bình thường, thiếu nước và thiếu nước nghiêm trọng), trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức triển khai phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước khi có dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Việc thực hiện phương án điều hòa phân phối tài nguyên nước đảm bảo theo nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu; ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt.
Góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân. Ngoài ra, Bộ sẽ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn như: Thành lập thí điểm tổ chức lưu vực sông trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức trong việc giám sát, điều hành việc vận hành liên hồ và việc phân phối, điều hoà tài nguyên nước trên lưu vực.
Xây dựng, thực thi các cơ chế chính sách, quy định các điều kiện để các hồ vận hành linh hoạt, hướng tới việc vận hành theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, hạ du, tối ưu hoá việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng; xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hành, vận hành các hồ chứa; đôn đốc các chủ đập, hồ chứa nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2023.
Với các nỗ lực nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hằng năm xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, từng bước điều hòa lượng nước trong mùa mưa và phân bổ trong mùa cạn để giải quyết vấn đề thiếu nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên các lưu vực sông trong cả nước, trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn cho người dân, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn kết hợp nâng cao năng lực kiểm soát lũ của các công trình; nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm khả năng kiểm soát mưa lớn, triều cường, chống mưa lũ theo thiết kế. Từ đó đảm bảo phục vụ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.
Nguyễn Kiên
Bình luận