Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ hai, 01/05/2023 06:05
TMO - Để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… Bên cạnh các luật này, cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước, bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất.
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tài nguyên nước: nguồn nước phân bổ không đồng đều, khu vực hạ lưu, nguồn nước cạn kiệt, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, nguồn nước nước ta tuy nhiều nhưng phụ thuộc vào bên ngoài, đắp đập, xây dựng thủy điện ở nhiều nơi khiến nguồn nước bị cạn kiệt đặc biệt vào mùa khô tại khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, ảnh hưởng đến người yếu thế và người nghèo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nước ta đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước như: Tỷ lệ dân số vùng nông thôn di dời sang đô thị; vấn đề sử dụng đất không hợp lý; vấn đề suy thoái tài nguyên rừng. Bên cạnh đó nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có 3260km đường bờ biển kéo dài, vấn đề nước biển dâng, địa hình đồi núi dốc và chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng gây nhiễm mặn, chịu tác động lớn tại khu vực ĐBSCL. Cùng với đó, tại mỗi địa phương chịu thách thức riêng về nguồn nước và vấn đề chúng ta không kiểm soát được lượng dòng chảy trong và ngoài lãnh thổ.
Trước thách thức về bảo vệ tài nguyên nước đòi hỏi các Bộ, ngành chức năng, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp, linh hoạt và cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước; trong đó, giải pháp quản lý nhà nước được cho là cốt lõi, là tiền đề và định hướng cho các giải pháp khác.
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch tài nguyên nước là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra, đồng thời cũng định hướng tổng thể cho 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long), 13 lưu vực sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vũ Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long), nhóm lưu vực sông ven biển và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam triển khai thực hiện trong quá trình lập quy hoạch.
Quy hoạch hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Đồng thời, hướng tới bảo vệ số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm thiểu tối đa tổn thất.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ, trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngày 13/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó Luật Tài nguyên nước dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo các chính sách lớn cần sửa đổi trong Luật đã được Chính phủ thông qua, việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước là vấn đề hết sức cấp bách. Lấy tài nguyên nước là cốt lõi để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phải theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Để đảm bảo khắc phục được những sơ hở, bất cập, tồn tại, hạn chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất một số biện pháp, quy định cụ thể trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Bổ sung các quy định liên quan đến An ninh nguồn nước; Quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt là đảm bảo an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt.
Việc quản lý, khai thác nguồn nước theo đúng định hướng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ phê duyệt góp phần giúp các địa phương củng cố an ninh nguồn nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ. Ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW trong đó đề ra mục tiêu tổng thể dài hạn, các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và yêu cầu triển khai 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các tỉnh/thành phố trên cả nước đã triển khai xây dựng, thực hiện Kết luận số 36-KL/TƯ trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước.
Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đạp, hồ chứa nước. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Đức Hải
Bình luận