Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ năm, 23/02/2023 03:02
TMO - Hà Giang là địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với mạng lưới sông, suối khá dày đặc. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự gia tăng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước, làm thay đổi chế độ thủy văn, lượng mưa các mùa. Thực tế này, đòi hỏi tỉnh Hà Giang cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Tỉnh Hà Giang nằm trong vùng thượng du của 3 lưu vực sông (sông Lô, sông Gâm, sông Chảy) và có nhiều nhánh sông chảy qua, như: Sông Miện, Ngòi Sảo, sông Con, Nho Quế… cùng hệ thống suối, hồ, đập tương đối dày; cung cấp lượng nước dồi dào phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước, tổng lượng tài nguyên nước mặt trên các sông, suối của tỉnh Hà Giang khá dồi dào, đạt 8,27 tỷ m3/năm. Riêng tiềm năng tài nguyên nước từ mưa trung bình khoảng 17.741 triệu m3/năm, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất đạt trên 1,7 tỷ m3/ngày.
Nhằm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Hà Giang sẽ khoanh định hành lang bảo vệ và vận hành đúng quy trình 45 hồ chứa, 11 hồ, đập thủy điện hiện có trên địa bàn tỉnh để bảo vệ chức năng của các hồ, đập ưu tiên các hồ, đập đang cấp nước đa mục tiêu. đảm bảo mực nước dưới đất không vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đến chiều sâu mực nước so với mặt đất tại thành phố Hà Giang 34,6m, tại thị trấn Đồng Văn 38,26m.
Xử lý 80% tổng lượng nước thải (74,56 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông suối. Kiểm soát chặt chẽ các sông, suối có chất lượng nước đang bị ô nhiễm; Xây dựng các công trình xử lý nước dưới đất trước khi đưa vào sử dụng tại những khu vực ô nhiễm chất lượng nước dưới đất. Hạn chế và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất tại những khu vực tập trung khai thác nước dưới đất. Xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng nước trong quá trình khai thác; toàn tỉnh Hà Giang xây dựng 22 điểm quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và 10 điểm quan trắc nước dưới đất.
Công trình thủy điện Nho Quế với hệ thống tưới tiêu và điều phối lượng nước được kiểm soát hợp lý giúp đảm bảo an toàn và an sinh xã hội, giúp nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của bà con nhân dân.
Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục duy trì bảo vệ các công trình hồ, đập sẵn có trên địa bàn tỉnh, tiến hành tu bổ, sửa chữa 05 hồ chứa thủy lợi. Khoanh định hành lang bảo vệ và vận hành đúng quy trình 01 hồ chứa mới theo quy hoạch; kiểm soát tình trạng khai thác nước dưới đất tại các khu vực bổ sung công trình khai thác nước lớn. đảm bảo xử lý 90% tổng lượng nước thải (75,78 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông suối. Tiếp tục duy trì chất lượng nước các sông, suối; có chất lượng nước tương đối tốt. Xây dựng bổ sung 19 điểm quan trắc nước mặt và 6 điểm quan trắc nước dưới đất.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang, trong năm 2022 Sở TN&MT tỉnh đã chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh sau: Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông nội tỉnh cấp 3,4,5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Chuẩn hóa,tích hợp dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Xây dựng hệ thống mạng quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước tỉnh Hà Giang phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giai đoạn 1: Điều tra, đánh giá khảo sát xác định vị trí xây dựng trạm quan tắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Điều tra, đánh giá, lập và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Điều tra, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn, cụ thể: Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan đối với 06 đơn vị tại 06 dự án thủy điện: Bản Rịa, Hạ Thành (302), Suối Sửu 1, Nậm Li 1, Tả Quan 1, Nà Chì...
Cùng với những giải pháp bảo vệ nguồn nước, tỉnh Hà Giang quan tâm đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn. Ảnh: BHG.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến phương án án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Theo đó, địa phương này sử dụng kết hợp nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất để đảm bảo nhu cầu nước cho các ngành dùng nước đồng thời đảm bảo nhu cầu nước cho môi trường các sông trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Khi nguồn nước dưới đất bị hạn chế, nguồn nước mặt không đủ để đáp ứng nhu cầu dùng nước, một số sông nhánh không dùng nước cho môi trường để đạt được mục tiêu cấp 100% nhu cầu nước sinh hoạt.
Nhu cầu sử dụng nước của tỉnh Hà Giang hiện tại là 292,17 triệu m3, trong đó nước dùng của nông nghiệp là 264,87 triệu m3 chiếm 90,65%, nước sử dụng cho sinh hoạt là 22,00 triệu m3 chiếm 7,5%, nước sử dụng cho công nghiệp là 5,3 triệu m2 chiếm 1,8%. Dự báo nhu cầu sử dụng nước của tỉnh đến năm 2030 là 478,16 triệu m3,trong đó nước dùng cho nông nghiệp là 440,81 triệu m, sinh hoạt 26,55 triệu m3, công nghiệp 10,80 tr.m3, đến năm 2050 là 872,53 triệu m3, trong đó nước dùng cho nông nghiệp là 818,53 triệu m3, sinh hoạt 41,40 triệu m3, công nghiệp 12,85 triệu m3.
Thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang.
Cùng với những giải pháp bảo vệ nguồn nước, tỉnh Hà Giang quan tâm đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn. Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Hà Giang chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này. Đặc biệt, sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở Hà Giang đã đạt gần 86%.
Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn để thực hiện trên 133 tỷ đồng, trong đó trên 4,8 tỷ đồng đầu tư cho các dự án cấp nước nông thôn theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (4 công trình). Ở phần còn lại, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” của giai đoạn tới cần 128,5 tỷ đồng cho 51 công trình.
Thùy Minh
Bình luận