Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 18:05
Thứ tư, 14/05/2025 12:05
TMO - Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk, gần 128.000 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bị người dân xâm canh, lấn chiếm trái phép.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương và chủ rừng, diện tích đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị người dân xâm canh, lấn chiếm trái phép khoảng 127.770 ha với nhiều thời điểm và tình trạng khác nhau. Đến nay, UBND cấp huyện mới xử lý thu hồi được khoảng 1.460 ha. Việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Theo UBND tỉnh, việc hàng trăm nghìn ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép xảy ra trong thời gian dài xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk sinh sống, phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác còn tiếp diễn; các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp sau khi sắp xếp gặp nhiều khó khăn, trong khi đó các hành vi vi phạm như phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra với mức độ ngày càng tinh vi dẫn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng bị hạn chế.
Ngoài ra, lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng, các công ty, dự án nông lâm nghiệp và chính quyền cấp cơ sở mỏng, chế độ chính sách đãi ngộ thấp, trong khi diện tích lớn; một số nơi người dân đã lấn chiếm, sản xuất nhiều năm, khó khăn cho việc xử lý, thu hồi...
Trước tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép, ngày 24/10/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch 188/KH-UBND về xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu đặt ra đến quý 4/2025 thu hồi 30% diện tích đất bị lấn, chiếm trên địa bàn; từ quý 1/2026 đến quý 2/2026 thu hồi thêm 30%; từ quý 3/2026 đến quý 4/2026 thu hồi 40% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm còn lại trên địa bàn.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2025, tỉnh Đắk Lắk mới chỉ xử lý thu hồi được khoảng 1.460ha; trong đó diện tích thu hồi chủ yếu ở địa bàn huyện Ea Súp với 1.364,32ha. Đây là tỷ lệ khá thấp so với diện tích bị lấn, chiếm và so với tiến độ kế hoạch 188/KH-UBND mà tỉnh Đắk Lắk đã đề ra.
Việc xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (Ảnh minh họa).
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, việc xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn yếu kém, bất cập; diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm nằm rải rác trên địa bàn các xã gây khó khăn cho rà soát, thống kê, xử lý. Các đối tượng lấn, chiếm đất lâm nghiệp gồm nhiều thành phần, sinh sống ở nhiều địa phương; diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm lớn, tuy nhiên nguồn lực của Nhà nước để xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ đặt ra...
Để tăng cường đấu tranh và xử lý vi phạm nhằm thu hồi lại diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai nhằm xử lý, thu hồi lại diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm.
Cụ thể, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng chủ trương của tỉnh về xử lý, thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép; tăng cường, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, lâm nghiệp, trong đó, xác định công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp, đất đai;
Khuyến khích người dân tự nguyện trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã lấn, chiếm, hạn chế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp của các dự án nông lâm nghiệp do tổ chức, cá nhân thuê đất và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm và phối hợp tốt với cơ quan chức năng để xử lý các đối tượng vi phạm.
Đối với các chủ rừng, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh, lấn chiếm, đặc biệt đối với diện tích đất lâm nghiệp còn rừng tự nhiên đang bị lấn, chiếm; đồng thời, chủ động tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng tận gốc, bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Phối hợp với các ban, ngành và các thôn, buôn của xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng; nghiêm cấm các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp./.
Trần Nam
Bình luận