Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/04/2025 02:04
Thứ bảy, 19/04/2025 07:04
TMO - Tỉnh Đắk Lắk triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thu hồi được 30% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 1.307.041 ha, diện tích đất có rừng là 507.409 ha. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm hơn 410.000 ha, rừng trồng hơn 97.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,82%. Đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm hơn 1/2 diện tích tự nhiên nên ngành lâm nghiệp của tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng biên giới quốc gia.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Trên đất lấn chiếm, người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép, gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp.
Công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm đang gặp vướng mắc do phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm được người dân canh tác ổn định; đối tượng sử dụng đất chủ yếu là người dân di cư tự do thiếu đất sản xuất và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Mặc dù chính quyền địa phương đã đến gặp gỡ từng hộ dân liên quan để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước nhưng đa số các hộ dân không đồng thuận, thường manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng nên việc thu hồi đất dễ tạo điểm nóng, phức tạp.
Tỉnh Đắk Lắk triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thu hồi được 30% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm. Ảnh: BĐL.
Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn, chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận đối tượng, không xác định được thời điểm lấn, chiếm nên không xác lập được hồ sơ, khiến công tác thu hồi đất rừng bị lấn, chiếm kéo dài trong nhiều năm qua.
Cơ chế chính sách hiện nay vẫn còn nhiều bất cập đối với ngành lâm nghiệp. Nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế; chính sách đối với quản lý bảo vệ rừng chuyên trách, chủ rừng, kiểm lâm chưa tương xứng với những trách nhiệm, khó khăn phải đối mặt. Bên cạnh đó, tình trạng dân di cư tự do cũng diễn biến phức tạp nên công tác quy hoạch đất ở, đất sản xuất không theo kịp. Nguồn lực bố trí cho các dự án định canh, định cư không bảo đảm, dẫn đến tình trạng dân quay trở lại phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay địa phương có gần 128.000 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 thu hồi được 30% diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, phấn đấu đến cuối năm 2026 thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đối với các trường hợp lấn chiếm mới phát sinh, tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phải tổ chức kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay sau khi phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
UBND tỉnh cũng ban hành Công văn số 2942/UBND-NNMT, ngày 9/4/2024 về việc tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê, xử lý diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3824/UBND-NNMT, ngày 6/5/2024 về việc tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp 2017 và quy định pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện; các sở, ban, ngành của tỉnh; các chủ rừng, chủ dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm và bảo đảm chấp hành pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, doanh nghiệp và các chủ rừng nhằm kềm giảm và hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
Trước đó, trong cuối tháng 3/2025, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Ea Súp tổ chức giải phóng mặt bằng và thu hồi hơn 742ha đất rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 293, xã Cư M'Lan. Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk giao 1.165,2ha đất rừng ở tiểu khu 293 xã Cư M'Lan cho Công ty TNHH Anh Quốc thuê trồng cao su, trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Do doanh nghiệp buông lỏng quản lý khiến hàng trăm héc ta rừng bị phá, đất bị lấn chiếm.
Ngày 23-2-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi diện tích này, giao lại cho UBND xã Cư M'Lan quản lý. Theo hồ sơ vi phạm hành chính của UBND xã, tiểu khu 293 có 134 trường hợp lấn chiếm với tổng diện tích 981,7ha. Lực lượng công an tỉnh phối hợp công an địa phương, các tổ công tác huyện Ea Súp đến từng hộ dân vận động, tuyên truyền. Nhờ kiên trì thuyết phục, hỗ trợ phương án sinh kế, phần lớn các hộ dân đã đồng ý trả lại đất. Tính đến nay, 115 hộ dân tại tiểu khu 293 đã tự nguyện trả lại đất. UBND huyện Ea Súp đã giải phóng mặt bằng được 742,05ha, tháo dỡ 33 chòi, lán dựng trái phép.../.
Ngọc Ánh
Bình luận