Hotline: 0941068156
Thứ tư, 23/04/2025 12:04
Thứ tư, 23/04/2025 06:04
TMO - Tình trạng nắng nóng kéo dài đang khiến hàng loạt hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rơi vào tình trạng cạn kiệt nước nghiêm trọng. Hiện nay, hàng chục hồ đã khô đáy hoặc mực nước xuống dưới ngưỡng trữ tối thiểu, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hecta cây trồng và sinh hoạt của người dân.
Biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nghiêm trọng nhất là tình trạng hạn hán vào mùa khô và mưa đá, lốc xoáy vào mùa mưa. Đây là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm đến đời sống, tính mạng của người dân và gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Mùa khô năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 27.284 hecta cây trồng các loại bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước. Trong đó, có 1.453 hecta bị mất trắng, 20.290 hecta bị thiệt hại từ 30 đến 70%... Ước tính thiệt hại hơn 165 tỉ đồng.
Trong số các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động tiêu cực lên sản xuất và đời sống của người dân Đắk Lắk thì tình trạng hạn hán gây ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 624 hồ chứa thủy lợi, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài nên đã có 42 hồ chứa cạn nước. Theo Chi cục Thủy lợi và Quản lý tài nguyên nước tỉnh Đắk Lắk, hiện nay địa phương này có 880 công trình thủy lợi, bao gồm 624 hồ chứa, 168 đập dâng, 86 trạm bơm và 2 tuyến đê bao.
Tổng diện tích cây trồng được tưới của tỉnh khoảng 270.279 ha, trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi đạt trên 151.600 ha, diện tích tưới do tạo nguồn hỗ trợ và khai thác nước tưới từ các nguồn nước mặt sông suối, ao hồ và nước ngầm tưới cho khoảng 118.663 ha. Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Quản lý tài nguyên nước tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến giữa tháng 4/2025 Chi cục mới tổng hợp được 434/624 hồ chứa do các địa phương, đơn vị báo cáo.
Trong số 252 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý có 15 hồ chứa đạt mực nước dâng bình thường, 81 hồ chứa đạt dung tích từ 70%-90%, 62 hồ chứa đạt dung tích từ 50%-70%, 62 hồ chứa đạt dung tích dưới 50% và 32 hồ đã cạn nước.
Nhiều hồ đập ở Đắk Lắk đã trơ đáy, cạn nước. (Ảnh: MP).
Các hồ này tập trung ở thị xã Buôn Hồ và các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Ea H’Leo, Krông Ana, Krông Búk, Krông Pắc và huyện Lắk. Đối với 182 hồ chứa vừa và nhỏ do các địa phương quản lý, có 13 hồ chứa đạt mực nước dâng bình thường, 50 hồ chứa đạt dung tích từ 70%-90%, 64 hồ chứa đạt dung tích từ 50%-70%, 45 hồ chứa đạt dung tích dưới 50% và 10 hồ đã cạn nước.
Các hồ chứa đang ở mực nước dâng bình thường chủ yếu là các đập, hồ chứa nước có nguồn sinh thủy tốt và diện tích tưới là cây công nghiệp. Về nước sinh hoạt, hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang quản lý, vận hành 46 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh với công suất thiết kế 40.620 hộ, đã kết nối cấp nước cho 34.830 hộ, đạt 85,7% công suất thiết kế. Hiện tại, các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk quản lý cơ bản đảm bảo cung cấp nước cho người dân sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay một số công trình sử dụng giếng khoan mực nước ngầm bị hạ thấp, lưu lượng khai thác giảm, do đó phải thực hiện cấp nước luân phiên, gồm các công trình cấp nước tại thị trấn Ea Drăng thuộc huyện Ea H'leo; xã Quảng Hiệp thuộc huyện Cư M’gar; xã Ea Tóh thuộc huyện Krông Năng; xã Dang Kang và xã Hòa Thành thuộc huyện Krông Bông và xã Ea Drông thuộc thị xã Buôn Hồ. Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến hồ hầu như không có.
Bên cạnh đó một số công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Do đó, khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn vào cuối vụ là rất lớn, tập trung ở thị xã Buôn Hồ và các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Ea H’Leo.
Nguồn nước mặt và nước ngầm cấp cho sinh hoạt nông thôn dự kiến cũng sẽ giảm dần, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân lại tăng cao nên có khả năng nguồn nước sẽ bị thiếu hụt trong thời gian tới. Để phòng, chống hạn hán và thiếu nước trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức khảo sát, đánh giá nguồn nước phục vụ tưới của từng công trình để người dân chủ động chuyển đổi cây trồng đối với diện tích có khả năng bị khô hạn vào cuối vụ.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức điều tiết nước hợp lý.
Thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cây nông nghiệp, công nghiệp bị khô héo.
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, dự báo thời gian tới, khả năng lượng nước ở các hồ chứa sẽ hao hụt từ 10-15% so với những năm trước, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị các địa phương chủ động, sớm có các phương án ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, ngành nông nghiệp Đắk Lắk khuyến cáo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ việc sử dụng nước, điều tiết thật hợp lý để đảm bảo nguồn nước tưới. Đối với diện tích lúa sản xuất dưới dạng bấp bênh chuyển sang cây trồng khác thích ứng được với lượng nước bị hạn chế. Đối với cây công nghiệp lâu năm đang khuyến cáo các hình thức tưới nhỏ giọt, tưới có kiểm soát. Đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xác định nhu cầu nước tưới trên cây trồng trong mùa khô.
Bên cạnh đó, năm 2023, tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 988/QĐ-UBND về việc cập nhật kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2022-2025, trong đó nhấn mạnh việc chủ động ứng phó với khô hạn và thiếu nước. Kế hoạch này được xây dựng dựa trên các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2024 – 2025; tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô trên cơ sở kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu sản xuất và chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu bóng. Đồng thời, tăng cường xả vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, nâng cao ngưỡng lưu lượng bằng bao tải, đào ao kho nước nước, gắn đặt và vận hành các suối dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp giải tiền tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.../.
Trung Quân
Bình luận