Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 19/05/2023 14:05
TMO - Hướng đến mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững, UBND thành phố Đà Nẵng cần chỉ đạo, điều hành công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng phương án đã được phê duyệt; tổ chức rà soát phương án phòng cháy chữa cháy rừng, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế...hạn chế thiệt hại tài nguyên rừng từ đó tạo điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trên địa bàn.
Báo cáo của ngành chức năng thành phố Đà Nẵng cho biết, diện tích rừng hiện có của thành phố là 63.044,15 ha trên 66.353,85 ha tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Trong đó, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn để tính độ che phủ rừng toàn thành phố là 58.805,34 ha bao gồm: 43.125,50 ha rừng tự nhiên và 15.679,84 ha rừng trồng đã thành rừng. Tỷ lệ che phủ rừng tương ứng là 45,5%, giảm 1,67% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng giảm 2.164,62 ha so với năm 2021. Nguyên nhân chính do sạc lở đất do mưa lớn gây ra ngày 14-10-2022; khai thác thu hồi rừng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, phá rừng trái phép; cháy rừng; chuyển mục đích sử dụng rừng so với năm 2021.
Năm 2022, địa bàn thành phố xảy ra xảy ra một vụ phát lửa gây cháy rừng tại khu vực tiểu khu 49N (xã Hòa Nhơn) cháy lan sang tiểu khu 49S (xã Hòa Sơn), làm cháy 0,074 ha rừng trồng keo và 0,695 ha thực bì dưới tán rừng trồng keo, bạch đàn tái sinh 4-5 năm tuổi, lau lách thực bì trên đất quy hoạch rừng sản xuất, không gây thiệt hại tài nguyên rừng Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do con người bất cẩn trong việc sử dụng lửa trong rừng, như đốt thực bì khai thác rừng trồng, đốt rác…
Trước dự báo về tình hình nắng nóng năm 2023, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với cháy rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 dự báo cường độ nắng nóng từ tháng 6 đến tháng 8 có thể gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022, gây nguy cơ về cháy rừng rất cao trên địa bàn thành phố. Sở NN&PTNT thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025 các cấp tham mưu cho UBND chỉ đạo, điều hành công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng phương án đã được phê duyệt; tổ chức rà soát phương án phòng cháy chữa cháy rừng, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; phân công lực lượng theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết liên tục; ban hành bản tin dự báo nguy cơ cháy rừng một cách kịp thời, chính xác.
Đề nghị các đơn vị chức năng, các chủ rừng rà soát lại lực lượng phương tiện, dụng cụ của đơn vị đảm bảo tình trạng tốt nhất sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống cháy xảy ra. Đồng thời, rà soát lại các quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong thành phố, với các địa phương và các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, đảm bảo cho công tác phối hợp, hiệp đồng chi viện lực lượng khi có cháy lớn phức tạp xảy ra
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng đến cộng đồng dân cư sống gần rừng ven rừng, nhất là trong giai đoạn cao điểm, với hình thức đa dạng, chú trọng các cách thức trực quan, trực tiếp; tăng cường tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm tra hướng dẫn các chủ rừng đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng trong quá trình đốt xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để phát huy tác dụng phòng ngừa, răn đe.
Công tác tuần tra, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các lực lượng chức năng đẩy mạnh triển khai (Ảnh minh họa).
Hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, trong năm 2022 các đơn vị, địa phương đã tổ chức 612 đợt kiểm tra, truy quét tại rừng; 3 đợt tuần tra đêm và 278 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên các tuyến đường xung quanh Bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra, đã tổ chức 5 đợt tuần tra, kiểm tra việc mua bán động vật hoang dã trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; qua kiểm tra không phát hiện có dấu hiệu vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra trên các tuyến đường La Sơn - Tuý Loan, ĐT 601, 14G, tuyến đường bộ lên đỉnh Bà Nà và trao đổi thông tin với các đơn vị vùng giáp ranh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế
Đà Nẵng hiện có 18.986,53 ha rừng gỗ tự nhiên giàu trữ lượng với nhiều loại gỗ quý, hiếm, có giá trị sử dụng cao, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên trong xã hội ngày càng tăng, gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được, dẫn đến khai thác gỗ tự nhiên trái phép luôn tiềm ẩn vi phạm, gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng; Ngoài ra, tình hình du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều, tự do tham quan, lưu trú, đốt lửa, cắm trại qua đêm dọc tuyến du lịch và các điểm dừng chân gây ô nhiễm môi trường, gây tai nạn giao thông, nguy cơ xâm nhập vào rừng trái phép và dễ xảy ra cháy rừng, nhất là vào mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh trưởng của hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.
Nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, mục tiêu là bảo vệ và phát triển bền vững đối với 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2022-2025; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 100% diện tích rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ. Hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; phát huy có hiệu quả các chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng. Diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp giảm 10% so với năm 2022.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường vận động trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn theo tinh thần Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố; phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, các khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm; thực hiện các chương trình, dự án lâm sinh để làm giàu, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.
Năm 2023, thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với hai địa phương có rừng lớn giáp ranh Đà Nẵng là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Thành phố sẽ xây dựng ổn định hệ thống rừng đặc dụng của thành phố gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân sau khi có kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2021 - 2025...
N. Huyền
Bình luận