Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ sáu, 17/11/2023 07:11
TMO - Thành phố Đà Nẵng chuyển mục đích sử dụng gần 80ha diện tích đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, tuyến đường đi riêng, kè chắn đất, khu công nghiệp, dự án hố rác.
Theo đó, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân thuộc địa bàn phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu có 30 ha đất rừng trồng, được HĐND thành phố thống nhất thông qua Nghị quyết chuyển sang mục đích đất khác. Đây là Dự án có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, được thành phố Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch chi tiết lần 2 vào năm 2016 với quy mô sau điều chỉnh là 1.068 ha, gồm 466 ha đất mặt nước biển, 601 ha đất liền (trong đó có 447,9 ha thuộc diện tích giai đoạn 1 và 153,2 ha giai đoạn 2).
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân thuộc Quy hoạch Phân khu sinh thái phía Tây Đà Nẵng, là một trong 12 phân khu đang được đề xuất nghiên cứu, có vai trò quan trọng đối với định hướng quy hoạch toàn thành phố, tạo lập hình ảnh đô thị mới hiện đại, chất lượng cao, hình thành những khu vực du lịch đô thị nghỉ dưỡng năng động, hấp dẫn để phù hợp cho cả phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Khu vực dự kiến triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân. Ảnh: HH.
Tại Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã thống nhất thông qua Nghị quyết chuyển 43,88 ha đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh ( thuộc địa bàn huyện Hòa Vang). Dự án này do Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, với tổng diện tích đất nghiên cứu hơn 400 ha. Quy hoạch đặt mục tiêu hình thành một khu công nghiệp sinh thái, thông minh có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hợp lý trong sản xuất, bố trí bến bãi, kho tàng theo mô hình cộng sinh công nghiệp, sử dụng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, không gây ảnh hướng đến môi trường.
Dự án này đã được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 25/11/2019. Về hiệu quả kinh tế xã hội, theo đánh giá của UBND thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 116/TTr-UBND ngày 9/10/2023, khi Dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh đi vào hoạt động sẽ thu hút được khoảng 218 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, doanh thu hằng năm 26.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.384 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 47.700 lao động.
Sau khi có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của HĐND thành phố, UBND TP. Đà Nẵng sẽ triển khai các bước tiếp theo gồm: Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, trồng rừng thay thế và các thủ tục có liên quan về đất đai theo quy định. Dự án cũng đã thực hiện lập cáo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Hòa Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
HĐND thành phố chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất đối với 43,88 ha đất là một bước để Đà Nẵng đến gần hơn với mục tiêu đẩy nhanh xây dựng khu công nghiệp mới phục vụ phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cũng đã biểu quyết thông qua Tờ trình của UBND thành phố xin chuyển 0,46 ha đất rừng sản xuất tại dự án Tuyến đường đi riêng, kè chắn đất và trang thiết bị văn phòng Khu căn cứ hậu cần kỹ thuật Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) sang mục đích khác và Dự án Đầu tư, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu liên hợp xử lý chất thải rắn bãi rác Khánh Sơn giai đoạn 2 tại phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu cũng được chấp thuận chuyển đổi diện tích rừng sản xuất 4,95 ha. Hiện nay, mỗi ngày Đà Nẵng thu gom rác thải sinh hoạt từ 1.800 đến 2.500 tấn, nhưng chỉ có một bãi rác Khánh Sơn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thường xuyên bốc mùi hôi khó chịu.
Đối với các dự án có diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng lớn, HĐND TP Đà Nẵng lưu ý, UBND TP chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc xác định, phân loại rừng (không có diện tích rừng tự nhiên). Đặc biệt cần chú ý đến tính chính xác trong việc thẩm định vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP theo quy định tại khoản 3 điều 20 Luật Lâm nghiệp.
Quá trình triển khai dự án phải thực hiện việc trồng rừng thay thế và có phương án xử lý hài hòa, đảm bảo quyền lợi, sinh kế của các hộ dân được giao khoán sử dụng đất rừng trong diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng bị thu hồi theo quy định. Liên quan việc xác định ranh giới phân loại rừng, nhiều đại biểu cũng lưu ý việc xác định chính xác ranh giới rừng. Trong trường hợp có sai khác về số liệu so với thực tế, cần sớm có báo cáo HĐND TP xem xét.
Thu Hồng
Bình luận