Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ hai, 18/12/2023 14:12
TMO - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Dân số toàn vùng là 230.000 người với 29 dân tộc anh em cùng chung sống. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX xác định phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, chương trình để thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi dành gần 3500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 1.400 tỷ đồng) đầu tư cho ba chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững được phân bổ hơn 1.800 tỷ đồng. Quảng Ngãi đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo…
Nhờ đó, công tác phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng núi của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, Quảng Ngãi sắp xếp, bố trí 12 dự án ổn định dân cư tập trung; hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hơn 1.000 hộ; nhựa hóa 60km đường nông thôn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ công trình cấp nước tập trung cho 1.145 hộ; đào tạo đưa đi lao động nước ngoài hơn 200 người; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 5.491 hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai các dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: BQN.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bình Sơn được thực hiện 9 tiểu dự án liên quan gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ việc làm bền vững; giảm nghèo về thông tin; truyền thông giảm nghèo đa chiều; nâng cao năng lực thực hiện chương trình; giám sát, đánh giá, kết quả chương trình. Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện được phân bổ từ ngân sách trung ương hơn 20 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, huyện Bình Sơn được phân bổ hơn 7,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 6,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 681 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách huyện). Nguồn kinh phí thực hiện các tiểu dự án được phân bổ đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Thời gian qua, huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huyện Sơn Tịnh đã thực hiện dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, hỗ trợ 30 con bò giống cho 30 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở xã Tịnh Giang và xã Tịnh Minh.
Đồng thời, thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp”, hỗ trợ 12 con bò cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở xã Tịnh Sơn. Hiện nay, huyện đang thực hiện triển khai thực hiện 5 dự án hỗ trợ giảm nghèo cho 109 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở 7 xã trên địa bàn. Các hộ dân được hỗ trợ bò đều xây dựng chuồng trại đảm bảo, trồng cỏ để có thức ăn xanh, chăn nuôi đúng hướng dẫn nên bò giống sinh trưởng tốt, từng bước tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, huyện Tư Nghĩa đã thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Dự án đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 1,65%. Năm 2022, huyện Tư Nghĩa triển khai thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” với nguồn vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng thực hiện 11 mô hình giao nhiệm vụ là chăn nuôi bò, heo sinh sản và lấy thịt. Đối tượng hưởng lợi từ dự án là 35 hộ nghèo, hộ cận nghèo, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2023, huyện Tư Nghĩa tiếp tục phân bổ gần 1,8 tỷ đồng thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí gần 1,56 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và huyện. Địa phương thực hiện mô hình giảm nghèo theo chuỗi giá trị là nuôi bò sinh sản. Mô hình đã giúp 30 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo và 8 hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế. Thực hiện dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, huyện Tư Nghĩa đã chọn mô hình nuôi bò sinh sản. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã hỗ trợ cho trên 100 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để chăn nuôi bò sinh sản.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đã hỗ trợ cây con giống theo nhu cầu của người dân và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
Sơn Tây là một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện có 5.319 hộ, trong đó 91% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Cadong, H’rê. Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Sơn Tây đã tập trung giải quyết các vấn đề căn bản đối với hộ nghèo như: nhà ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết lao động, việc làm, vốn vay, chính sách khám chữa bệnh, an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện thực hiện 150 công trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đẩy nhanh các dự án giảm nghèo bền vững. Riêng trong hai năm 2022 và 2023, huyện đã khởi công đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành 85 công trình; bố trí gần 24 tỷ đồng vốn ưu đãi cho 626 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm; hỗ trợ xây dựng 264 nhà cho hộ khó khăn về nhà ở; cấp gần 22.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng; 85% dân số của huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Cùng với hiệu quả từ các Chương trình MTQG, công tác giảm nghèo các địa phương miền núi được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, tập trung, đổi mới. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương miền núi; các chính sách phát triển miền núi được triển khai kịp thời, bước đầu phát huy hiệu quả. Đến hết tháng 11/2023, tỉ lệ hộ nghèo tại Quảng Ngãi giảm còn 6,22%, vượt 0,46% so với kế hoạch.
Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đạt 28,8 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mỗi năm giảm 4-4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Minh An
Bình luận