Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 23/11/2023 07:11
TMO - Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các dự án, mô hình này góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 14.624 hộ nghèo, tỷ lệ 4,35% (giảm 5.971 hộ, với tỷ lệ giảm là 1,79%, vượt 0,79% so với kế hoạch giao, cao hơn trung bình tỷ lệ giảm toàn quốc là 1,2%).
Thái Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người DTTS và người nghèo; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho 1.238 hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Thái Nguyên lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngoài các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Chính phủ, xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” tại 4 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương.
Theo đó, tỉnh đã trích ngân sách đầu tư hỗ trợ xây dựng 15 tuyến đường vào các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài 42,7km, kinh phí 64,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng 15 công trình lớp học, 3 công trình nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, trong đó kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ là 15,62 tỷ đồng... Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, gần 7.000 lượt hộ đồng bào dân tộc Mông đã được hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai trên tổng diện tích hơn 3.100 ha với kinh phí ngân sách hỗ trợ gần 15 tỷ đồng.
Tại Đồng Hỷ, huyện nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, lồng ghép nguồn vốn của các dự án khác với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để xây dựng các mô hình kinh tế; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo, cận nghèo. Huyện đã hỗ trợ giống lúa, ngô lai năng suất cao, triển khai mô hình trồng đào, trồng na, hỗ trợ bò giống…
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, TP. Phổ Yên đã và đang triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Theo kết quả rà soát năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP. Phổ Yên là 2,81%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,55%. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn dưới 2%, UBND thành phố đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, phường và tích cực triển khai các chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Cùng với ưu tiên sử dụng vốn đầu tư các công trình, dự án hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, các dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cũng được thành phố triển khai hiệu quả. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn dành cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn TP. Phổ Yên là trên 5,7 tỷ đồng.
Trên cơ sở rà soát điều kiện phát triển kinh tế, tập quán canh tác, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương, năm 2023, UBND thành phố đã phân bổ kinh phí trên 2,4 tỷ đồng để thực hiện 6 mô hình đa dạng hóa sinh kế, 1 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã, phường còn khó khăn như: Phúc Tân, Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái, Tiên Phong. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 2,1 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Điển hình là các mô hình: Nuôi bò nái sinh sản tại xã Phúc Thuận và xã Vạn Phái, với 28 hộ dân tham gia; nuôi bò nái Zebu sinh sản, với 11 hộ thuộc xã Vạn Phái tham gia; mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, gồm 34 hộ ở xã Thành Công và phường Tiên Phong tham gia…
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại huyện Định Hóa góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Ảnh: NT.
Từ đầu năm đến nay, huyện Định Hóa đã tích cực triển khai hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả Dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo số liệu thông kê, từ đầu năm đến nay, đã có trên 300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo của huyện Định Hóa được hỗ trợ từ Dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
UBND huyện Định Hóa đã phê duyệt 36 phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, gồm: Phương án chăn nuôi gà, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản; hỗ trợ máy móc chế biến chè và sản xuất lúa J02... với tổng kinh phí thực hiện từ Chương trình MTQG giảm nghèo trên 7,6 tỷ đồng. Việc triển khai trọng tâm, đúng đối tượng và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã tạo tiền đề giúp mở rộng sinh kế, cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện. Huyện Định Hóa đang tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
Để giảm nghèo bền vững, hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên cũng lồng ghép các hoạt động về Chương trình giảm nghèo của địa phương với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.
Tiếp tục xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Kế hoạch và quy định của pháp luật.
Đức Nam
Bình luận