Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 24/06/2024 07:06
TMO - Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ gắn với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng Khu dự trữ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn.
Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ được thành lập từ năm 2003, có tổng diện tích hơn 15.053ha, trải dài trên địa phận xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) và Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh (huyện Na Rì), tỉnh Bắc Kạn. Kim Hỷ được đánh giá là nơi lưu giữ hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về sự phong phú của các loại động, thực vật quý hiếm nơi đây. Trong số đó phải kể đến là loài voọc má trắng, sóc, khỉ là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.
Đặc biệt, trong khu có sự đa dạng của các loài dơi, được coi là nhiều chủng loại nhất ở Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn của tỉnh Bắc Kạn, với hàng vạn cây nghiến....Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây du sam đá vôi, còn gọi là thông đá. Loài cây này trên thế giới hiện nay chỉ còn sót lại ở Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Trước đây, qua nghiên cứu đánh giá, riêng đối với loại cây này hiện trong Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ chỉ còn khoảng 14 cây, là nguồn gene cực quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ với hệ động thực vật phong phú được tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: LH.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã ghi nhận được 1.251 loài và dưới loài thuộc 728 chi và 170 họ thực vật của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Ghi nhận 03 loài bổ sung cho hệ thực vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ là Rungia burmanica, Rungia sinothailandica, Strobilanthes lamiifolia.
Bên cạnh đó, đề tài đã tổng hợp được 14 nhóm giá trị sử dụng của các loài ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, trong đó nhóm cây làm thuốc có số loài lớn nhất với 749 loài, nhóm cây cho gỗ 257 loài, nhóm cây làm cảnh 141 loài, nhóm cây ăn được 134 loài, các nhóm cây có số lượng ít là vật liệu xây dựng 14 loài, nhóm cây cho nhựa 9 loài. Về mức độ quý hiếm, nghiên cứu đã ghi nhận trong số 1.251 loài thực vật bậc cao, 313 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN (2023), 65 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 85 loài có tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Nghiên cứu đã xây dựng 06 sơ đồ điểm phân bố các loài thực vật đặc hữu, nguy cấp quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, ưu tiên bảo tồn tại Khu Dự trữ Thiên nhiên Kim Hỷ
Trước những lợi thế trên, tỉnh Bắc Kạn sẽ phát triển đa dạng các loại hình du lịch tại khu vực này. Trong đó, du lịch sinh thái diễn ra trên địa bàn bao gồm leo núi, tham quan các cảnh đẹp thiên nhiên trong Khu dự trữ như: Các hang động, suối, thác, hệ sinh thái rừng, với sự xuất hiện của nhiều loài đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn. Du lịch cộng đồng: Diễn ra trong vùng đệm của Khu dự trữ có mô hình du lịch cộng đồng Lủng Siên đưa vào khai thác hoạt động du lịch cộng đồng, ngoài ra còn có các bản như: Bản Lài, Bản Kẹ.
Du lịch mạo hiểm: Bao gồm các sản phẩm leo núi, đi bộ xuyên rừng. Du lịch khám phá, tham quan các cảnh quan thiên nhiên như các hang động, các thác nước, suối nước trong Khu dự trữ. Du lịch bảo tồn, diễn giải môi trường: Bao gồm các hoạt động như: Nghiên cứu đa dạng sinh học, ngắm chim, thú, các hệ sinh thái rừng,..Du lịch văn hóa: Nhằm khám phá các nét văn hóa truyền thống của các cộng đồng sinh sống trong vùng đệm Khu dự trữ như: Các lễ hội truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán,...
Địa phương này sẽ phát triển các điểm (khu) du lịch sinh thái tại khu vực này: Điểm du lịch Trung tâm du khách tại phân khu dịch vụ hành chính; điểm du lịch sinh thái Hang Minh Tinh; điểm du lịch sinh thái Hang Dơi; điểm du lịch sinh thái rừng nghiến Vũ Muộn; điểm du lịch sinh thái Thác Tát Chặt; điểm du lịch sinh thái Thác Khuổi Cải; điểm du lịch sinh thái Hang Nặm Cào; điểm du lịch sinh thái Lủng Siên.
Đồng thời, phát triển các tuyến du lịch sinh thái: Tuyến Bản Kẹ-Hang Minh Tinh; tuyến Lủng Cháp-Hang Dơi-Thẳm Mu; tuyến Thẳm Liềm-Thẳm Nặm; tuyến Lủng Vai-MacMa; tuyến Lủng Siên-Hang Dường; tuyến Lủng Đắc-Khu hành chính-dịch vụ; tuyến Bản Lài-Thác Tát Chặt; tuyến Thác Khuổi Cải-Hang Nặm Cào.
Đa dạng các sản phẩm, loại hình du lịch được chú trọng phát triển tại khu vực này.
Để phát hiệu hiệu quả các loại hình du lịch trên, UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai Đề án theo quy định; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ rừng để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành, nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động của Đề án được phê duyệt; đề xuất xây dựng các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt; tổ chức xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền cũng như có các giải pháp huy độngnguồn vốn đầu tư hợp pháp nhằm triển khai đạt các mục tiêu đề ra của Đề án và phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững của Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Xây dựng hồ sơ tiêu chí để tổ chức lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy định của pháp luật hiện hành; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Quản lý, sử dụng kinh phí cho thuê môi trường rừng, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và các nguồn thu khác cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa phương tiện, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ban quản lý Khu dự trữ trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động của Đề án được phê duyệt, đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật; hướng dẫn đơn vị chủ rừng trong xây dựng hồ sơ tiêu chí kỹ thuật để tổ chức lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thẩm định dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu dự trữ giai đoạn 2022 - 2030 đã được phê duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trong triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát và hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị chủ rừng, các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch sinh thái theo đúng quy định. Hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch sinh thái tại Khu dự trữ với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh gắn với nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường khách du lịch. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hằng năm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch sinh thái tại Khu dự trữ nói riêng và nhu cầu toàn tỉnh nói chung.
Ủy ban nhân dân huyện Na Rì, huyện Bạch Thông chỉ đạo UBND các xã phối hợp chặt chẽ với Khu dự trữ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng trên địa bàn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan hỗ trợ Khu dự trữ thúc đẩy kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn huyện Na Rì, Bạch Thông; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo đúng quy định của pháp luật.
Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trên, tỉnh Bắc Kạn hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác tiềm năng cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ một cách hợp lý để tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng Khu dự trữ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ.
Đến năm 2025: Tập trung quảng bá thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo hình thức cho thuê môi trường rừng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; thực hiện đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử. Triển khai hoạt động du lịch sinh thái thu hút được khách tham quan trong nước.
Từ năm 2026 - 2030: Tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư, các công ty liên doanh liên kết để tổ chức triển khai hoạt động du lịch sinh thái, tạo dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng. Định hướng thương hiệu các sản phẩm du lịch chính đó là du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng và giải trí. Lượng du khách sẽ tăng thêm hàng năm, phấn đấu thu hút được du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch và lưu trú tối thiểu 02 ngày Khu dự trữ. Hoạt động du lịch sẽ tạo việc làm cho lao động là người địa phương, trong đó có lao động trực tiếp...
Hồng Thắm
Bình luận