Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 02:11
Thứ sáu, 04/10/2024 14:10
TMO – Tại COP26, Việt Nam tuyên bố phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu và là một trong 103 quốc gia cam kết giảm phát thải khí metan ít nhất 30% từ các hoạt động của con người vào năm 2030. Đồng thời tham gia Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất.
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26) diễn ra hồi tháng 11/2021 tại Vương Quốc Anh được nhìn nhận là một trong những kỳ Hội nghị thành công nhất và để lại nhiều dấu ấn. COP26 đã đạt được không ít mục tiêu quan trọng và thể hiện quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu của toàn thế giới. Trong khuôn khổ COP26, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu - đã phát đi thông điệp về mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) cho Ban thư ký UNFCCC và cập nhật NDC vào năm 2020 và năm 2022. Theo NDC 2020, bằng các nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải KNK vào năm 2030 so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) (tương đương 83,9 MtCO2tđ). Mức đóng góp này có thể tăng lên 27% nếu có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương và thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris (tương đương giảm 250,8 MtCO2tđ so với mức BAU vào năm 2030). Đến COP26 năm 2021, 128 quốc gia đã cập nhật NDC và nếu các NDC đó được thực hiện đầy đủ, thì nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại COP26. Ảnh: MH.
Việt Nam đã tham gia tích cực tại Glasgow, bao gồm COP26, Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP16) và Hội nghị lần thứ 3 các bên tham gia Thỏa thuận Paris (CMA3). Kết thúc COP26, 148 quốc gia, đại diện cho các quốc gia tạo ra gần 90% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu và chiếm hơn 90% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào giữa thế kỷ này. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này nhờ các lợi thế như tiềm năng năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng rất cần hỗ trợ từ nguồn tài chính quốc tế và chuyển giao công nghệ. Tất cả các Bên của UNFCCC đều ủng hộ kết quả chính của COP26, tức là “Thỏa thuận khí hậu Glasgow” cam kết loại bỏ dần năng lượng từ đốt than và các nhiên liệu hóa thạch khác.
Trước thềm COP26, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký văn bản công bố Việt Nam tham gia Tuyên bố chung toàn cầu về Chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch. Các bên tham gia cam kết tăng quy mô sản xuất điện sạch, ngừng cấp phép và xây dựng mới các nhà máy điện than, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang nguồn năng lượng ít carbon, loại bỏ dần năng lượng than vào những năm 2040 và đảm bảo quá trình chuyển đổi sẽ mang lại lợi ích cho công nhân và các cộng đồng. Bộ trưởng đã nhấn mạnh rằng các nhà máy nhiệt điện than sẽ là nguồn cung cấp điện quan trọng trong một thời gian; do vậy việc giảm nhiệt điện than cần phải có lộ trình và phải phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam; quá trình chuyển đổi phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cần có nguồn lực.
Tại COP26, Việt Nam cũng tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu. Việt Nam là một trong 103 quốc gia cam kết giảm phát thải khí metan ít nhất 30% từ các hoạt động của con người vào năm 2030. Việt Nam tham gia Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất. Tuyên bố này hiện có sự tham gia của 145 quốc gia đang nắm giữ hơn 90% tổng diện tích rừng trên thế giới. Mục đích của Tuyên bố là “đến năm 2030, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng mất rừng và suy thoái đất, đồng thời phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi nông thôn toàn diện”. Kế hoạch thực hiện cam kết này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam cũng tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu (AAC) và Kêu gọi hành động về thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi và ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng sạch).
Khẩn trương hành động (nói là làm)
Ngay sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban với 19 đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành. Các bộ, ngành đã xây dựng chiến lược, đề án, chương trình/kế hoạch hành động để thực hiện các cam kết của Việt Nam. Cụ thể, gồm: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030;
Một số kế hoạch hành động ngành của các Bộ như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh), Bộ Công Thương (kế hoạch hành động ngành công nghiệp, năng lượng), Bộ Giao thông vận tải (Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải; tăng cường năng lực về quy trình kỹ thuật Đo đạc, Báo cáo, Thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải KNK; sử dụng năng lượng hiệu quả cho phương tiện giao thông cơ giới; lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (EV); Thực hiện các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) trong giao thông vận tải;
Bộ Xây dựng (lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh), Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ (các nghiên cứu thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật về năng lượng tái tạo); Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, đây là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính xây dựng hệ thống thương mại khí thải trong nước (ETS) (đơn cử như thị trường carbon) và quá trình chuyển đổi tín chỉ được tạo ra trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang trao đổi trong khuôn khổ Cơ chế Phát triển bền vững (SDM) mới theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris (COP27 đã ghi nhận một số bước tiến trong việc thực hiện cơ chế này); Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định nhóm các doanh nghiệp lớn và sử dụng nhiều năng lượng phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK theo hướng dẫn kỹ thuật về đo đạc, báo cáo và thẩm định KNK được các bộ, ngành ban hành để làm cơ sở giảm nhẹ phát thải KNK…/.
(Còn nữa)
PHAN HUÝNH
Bình luận