Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ ba, 26/11/2024 19:11
TMO - Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, số lượng các công trình xanh được công nhận còn khá khiêm tốn so với lượng công trình đã xây dựng.
Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường. Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Theo đó, Thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Đơn cử như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển mô hình 'công trình xanh', ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Sau thời gian triển khai mô hình ‘công trình xanh’ số liệu thống kê đến hết quý III/2024, Việt Nam đã đạt được hơn 500 công trình xanh trên toàn quốc, với tổng diện tích sàn xây dựng lên đến trên 12 triệu m2.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số công trình xanh còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và động lực từ những cam kết, hoạt động quốc tế về thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: công trình xanh mới đang phát triển ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc, trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh.
Để khắc phục những khó khăn, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình công trình xanh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần tập trung hoàn thiện các văn bản và hướng dẫn thực hiện; tăng cường cơ chế phối hợp liên Bộ giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan (tái sử dụng chất thải rắn và nước thải, cơ chế lắp đặt và sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp), lồng ghép các hoạt động phát triển hạ tầng xanh trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương theo định hướng, lộ trình về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lộ trình phi carbon hóa của Chính phủ; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thành việc chuyển đổi sang công trình xanh và xây dựng các công trình xanh mới.
Đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng; tăng cường huy động các nguồn lực từ các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, quỹ tài chính khí hậu, các đối tác chuyển đổi năng lượng, ngân hàng thương mại và khu vực tư nhân nhằm thu hút thêm nguồn lực đẩy nhanh hơn quá trình phát triển hạ tầng xanh…/.
VŨ MINH
Bình luận