Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 10:09
Thứ tư, 01/12/2021 15:12
TMO - Trong báo cáo được công bố vào sáng 1/12, Hà Nội có chỉ số bụi mịn PM 2.5 cao nhất trong 10 tỉnh miền Bắc có nồng độ bụi mịn vượt tiêu chuẩn cho phép.
Trong hội thảo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm và nghiên cứu" được tổ chức vào sáng nay 1/12, nhóm nghiên cứu đến từ Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố báo cáo về hiện trạng bụi PM2.5 của 63 tỉnh/thành năm 2019-2020. Đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, sử dụng mô hình học máy thống kê ảnh hưởng hỗn hợp, kết hợp với ảnh vệ tinh để đo chất lượng không khí cả ở những điểm không có trạm đo.
Bản đồ chất lượng không khí lúc 9h ngày 1/12 hiển thị nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội là 40.6 μg/m3.
TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trường Đại học Công nghệ), thành viên nhóm cho biết, báo cáo được sử dụng dữ liệu đa nguồn. Kết quả cho thấy năm 2020, Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất.
Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3. Tuy nhiên cả hai năm 2019-2020 Hà Nội đều vượt, trong đó có đến 29/30 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 ở mức cao.
Trong 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 μg/m3 đến 32,9 μg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 μg/m3) và thấp nhất là Hà Đông (31,5 μg/m3).
Dữ liệu cho thấy năm 2020, trên phạm vi cả nước, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố (chiếm 40%) có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia, gồm (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc).
Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực trong tỉnh bị ô nhiễm bụi PM2.5.
Nhóm nghiên cứu đề xuất ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí, từ đó xây dựng bản đồ phân bố bụi PM 2.5 chi tiết tới từng quận huyện, thị xã tại các tỉnh, thành phố. Cần xác định các nguồn thải bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác để có giải pháp phù hợp.
Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, 40% tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm. Cũng theo ông Tùng, Việt Nam chuẩn bị thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.
Trước đó Ngân hàng Thế giới (WB) đã lấy 80 mẫu bụi mịn từ tháng 8/2019 đến 7/2020 tại điểm đo trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích để xác định nguồn gây ô nhiễm. Kết quả cho thấy nguồn ô nhiễm đến từ đốt sinh khối (vật liệu sinh học) chiếm 26%, hoạt động công nghiệp khoảng 29%, giao thông chiếm 15% tổng lượng bụi mịn PM 2.5 ở Hà Nội.
Trần Sỹ
Bình luận