Hotline: 0941068156
Thứ năm, 24/04/2025 06:04
Thứ tư, 23/04/2025 13:04
TMO - Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quy hoạch, điều tra, quan trắc tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đẩy mạnh triển khai những năm qua.
An ninh nguồn nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, do đó các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước cần phối hợp toàn diện và quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Từ năm 2021, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong công tác Quy hoạch, điều tra và bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trung tâm đã chủ động và nỗ lực đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ và đã đạt được những thành quả nhất định. Đến nay, hệ thống máy chủ hiệu năng cao (HPC), hệ thống Sever để xây dựng Bigdata và nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS), máy chủ lưu trữ dung lượng lớn đặt tại Trung tâm và hệ thống máy chủ kết nối, truyền tải dữ liệu điều tra cơ bản, quan trắc tài nguyên nước liên thông 3 miền (Bắc, Trung và Nam) do 3 Liên đoàn trực thuộc Trung tâm quản lý, vận hành.
Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước (Ảnh minh họa).
Dữ liệu điều tra cơ bản và quan trắc tài nguyên nước do Trung tâm quản lý đã được chuyển đổi số và lưu trữ trên hệ thống Big Data, với 6 mô đun dữ liệu lớn. Hệ thống tác nghiệp tài nguyên nước được xây dựng thành công từ việc thu nhận dữ liệu đầu vào, phân tích xử lý, tính toán, đưa ra kết quả dự báo, cảnh báo tài nguyên nước và xuất bản bản tin tự động cho 13 lưu vực sông chính trên toàn quốc và 43 tỉnh, thành phố.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, sau nhiều năm xây dựng và hoàn thiện, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn và Hệ thống tác nghiệp tài nguyên nước của Trung tâm đã có thể đáp ứng hiệu quả các nhiệm vụ đã và đang thực hiện, trong đó nổi bật là công tác điều tra cơ bản, quy hoạch, cảnh báo và dự báo tài nguyên nước cung cấp các nhận định, dự báo, cảnh báo sớm cho các cấp quản lý để phòng chống hạn hán, thiên tai, thiếu nước và quản lý vận hành hồ đập trên lưu vực.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 Trung tâm sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng dữ liệu tập trung, thống nhất, tương thích với kiến trúc Chính phủ điện tử; lưu trữ dữ liệu 13 lưu vực sông chính toàn lãnh thổ Việt Nam, sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, sử dụng giải pháp công nghệ quản trị dữ liệu lớn (bigdata), tương thích được với hạ tầng dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin chuyên ngành tài nguyên và môi trường.
Đến năm 2030, sẽ vận hành hiệu quả, toàn diện hệ sinh thái số được bảo đảm an toàn thông tin, kết hợp hạ tầng dữ liệu hoàn thiện, đồng bộ với hệ thống tác nghiệp số tiên tiến, đảm bảo 100% công tác điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc thực hiện bằng thiết bị công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số. Cung cấp dịch vụ công giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên nước dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ ra quyết định quản lý chính xác, kịp thời trên các lưu vực sông của Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngoại sinh, các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước cần tiếp tục đề xuất nhiệm vụ mới phục vụ thực thi Luật Tài nguyên nước, tập trung vào các nội dung về an ninh nguồn nước, hạch toán tài nguyên nước, sử dụng nước tuần hoàn, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó, các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên nước; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước quốc gia...
Cùng với các đơn vị khác đẩy mạnh chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Năm 2025 các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước sẽ hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước; hoàn thành việc lập, trình ban hành và tổ chức triển khai tốt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, thanh, kiểm tra và giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng.../.
Thu Thúy
Bình luận