Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ hai, 08/05/2023 07:05
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang phối hợp với các địa phương điều chỉnh quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sản xuất phù hợp với lợi thế của mỗi vùng đất, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Địa phương này xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ thực hiện trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập. Đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu tạo đầu ra ổn định từng bước phát triển nông sản chủ lực của tỉnh.
Diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn tỉnh năm 2023 là 4.932,1ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 187,1ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 236,6ha (tính theo diện tích gieo trồng), chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 4.508,4ha. Diện tích chuyển đổi trên địa bàn 4 huyện: Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Nhiều địa phương tại tỉnh Bến Tre chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác hoặc trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các vùng, khu vực chuyển đổi, quản lý chặt chẽ, ký cam kết việc chấp hành các yêu cầu, điều kiện nguyên tắc chuyển đổi với các hộ dân thực hiện chuyển đổi. Hướng dẫn các thủ tục pháp lý giúp người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt như tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương để tiết kiệm nước. Tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại trên các loại cây trồng theo hướng GAP, hữu cơ... nhằm nâng cao giá trị nông sản, an toàn với môi trường sinh thái.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nên diện tích trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò đã mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích canh tác cho người nông dân. Bên cạnh đó, con bò, tôm cũng là vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng và yếu tố thị trường đã diễn ra mạnh mẽ.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao.
Tổng diện tích cây rau các loại toàn tỉnh đến nay là 1.396 ha, giảm 1,20% (tương ứng giảm 17 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các ngành chức năng đang phối hợp với các địa phương phát triển mô hình trồng rau hữu cơ (rau sạch) thu hút nhiều hộ dân tham gia, bước đầu đạt hiệu quả khá cao, diện tích tập trung chủ yếu ở một số xã trồng rau chuyên canh của huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.
Tổng diện tích dừa toàn tỉnh hiện nay là 78.006 ha, tăng 0,99% (tương ứng tăng 766 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích dừa tăng nguyên nhân là do một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa vì cây dừa dễ trồng và ít tốn công cũng như chi phí chăm sóc, diện tích tăng chủ yếu là dừa xiêm uống nước.
Tỉnh Bến Tre hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000 - 22.000 ha dừa.
Đối với các loại cây ăn quả, các nhà vườn mạnh dạn cải tạo, trồng mới, đốn bỏ những cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng những cây có hiệu quả kinh tế hơn, tiếp tục chăm sóc và thu hoạch sản phẩm trái cây các loại như bưởi, chuối, cam, chanh, nhãn, xoài, mít... Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng và yếu tố thị trường đã diễn ra mạnh mẽ. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện có là 25.098 ha, giảm 4,07% (tương ứng giảm 1.064 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích giảm chủ yếu là do chuyển từ vùng đất trồng chôm chôm, măng cụt, cam, quýt, chanh, bưởi, tắc... không hiệu quả sang trồng dừa, ươm cây giống lâu năm và một số diện tích giảm để chuyển sang đất phi nông nghiệp khác.
Xác định sản xuất nông nghiệp tiếp tục là trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội, tới đây, địa phương chủ trương tổ chức thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Theo đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, Bến Tre tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh, kết hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tin của sản phẩm trên thị trường.
Đặc biệt, tỉnh điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng tiểu vùng. Ngoài ra, địa phương chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và nông nghiệp hữu cơ.
Cùng đó, Bến Tre phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như bò thịt, lợn, gia cầm....; trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; khuyến khích, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với sản phẩm chủ lực; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương và phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Đến năm 2025, tỉnh phát triển thêm ít nhất 7 hợp tác xã, xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt diện tích 450 ha (trong 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao). Đặc biệt, các loai cây trồng lúa, cây ăn trái, rau màu, cây dừa, cây giống- hoa kiểng được cơ cấu lại theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi, sản xuất sạch, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đối với cây dừa xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000 - 22.000 ha dừa, tập trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Phát triển thêm ít nhất 13 HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số HTX chuỗi dừa đến năm 2025 là 37 HTX (Tỷ lệ hợp tác xã từ loại khá, tốt đạt trên 80%). Trong đó, có 1 hợp tác xã trong chuỗi đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 15 HTX đạt doanh thu là 10 tỷ đồng.
Cây ăn trái: Phát triển các sản phẩm chủ lực như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn và măng cụt ở một số huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Đến năm 2025, phát triển thêm ít nhất 5 HTX tham gia chuỗi cây ăn trái, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 1.500 - 2.200 ha.
Tập trung phát triển mạnh về chất lượng, quy mô các chuỗi đã hình thành như: Chuỗi bưởi da xanh: Củng cố và phát triển các liên kết, tổ hợp tác (THT) và HTX hiện có; tăng cường xây dựng mã số vùng trồng và tem truy xuất nguồn gốc. Đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích 700 - 1.000 ha, 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương. Ít nhất 1 HTX đạt doanh thu 100 tỷ đồng, 4 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng trong tổng số HTX tham gia chuỗi.
Chuỗi chôm chôm: Củng cố và phát triển các liên kết, THT và HTX hiện có; tăng cường xây dựng mã số vùng trồng và tem truy xuất nguồn gốc. Đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất tập trung đạt diện tích từ 200 - 300 ha. Trong đó, 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn chất lượng, có ít nhất 2 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Chuỗi sầu riêng: Hình thành mới và phát triển các liên kết chuỗi, THT, HTX sầu riêng theo hướng an toàn, chất lượng và bền vững. Tập trung ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành,... Đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất tập trung khoảng 300 ha. Có 1 HTX có doanh thu 10 tỷ đồng.
Đối với cây giống - hoa kiểng: Phấn đấu đến năm 2025, phát triển thêm 10 HTX, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cây giống - hoa kiểng với diện tích 300 - 500 ha. Trong đó, có 1 HTX có doanh thu đạt 100 tỷ đồng, 09 HTX đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Giá trị sản xuất đạt 500 triệu USD. Đảm bảo trên 80% giống cây trồng lưu thông trên thị trường đạt yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; 70% cây giống có nguồn gốc từ vườn cây đầu dòng được công nhận.
Nguyễn Nam
Bình luận