Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ hai, 14/04/2025 06:04
TMO - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Đây là một trong những giải pháp chiến lược nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với điều kiện mới.
Các loại cây được người dân Vĩnh Long lựa chọn để chuyển đổi chủ yếu là rau màu như: dưa hấu, khổ qua, dưa leo, bắp, đậu các loại, khoai lang, đậu nành, đậu phộng... Nhiều địa phương như huyện Bình Tân, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Trung bình, mỗi hecta rau màu mang lại thu nhập từ 100–150 triệu đồng/năm, gấp 2–3 lần so với trồng lúa.
Cùng với đó, người dân tại các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) cũng đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc lên líp trồng cây ăn trái như sầu riêng, cam, bưởi, mít, tắc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là 72.239ha, tăng 1.685ha so với năm 2023.
Từ đầu năm 2025 đến nay, diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng thêm khoảng 168ha, nâng tổng diện tích lên 72.407ha, trong đó diện tích cây cho sản phẩm gần 62.756ha. Huyện Trà Ôn là một trong những địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Năm 2024, diện tích trồng cây lâu năm trên địa bàn huyện là 18.915ha, tăng 19,5ha so với năm 2023, trong đó cây ăn quả gần 16.431ha, cây công nghiệp lâu năm hơn 2.484ha.
Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đã giúp người dân khai thác hiệu quả đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trà Ôn, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên địa bàn huyện thời gian qua đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.
Chuyển sang trồng rau màu trên đất lúa mang lại thu nhập ổn định hơn cho người nông dân Vĩnh Long. (Ảnh: NT).
Theo chia sẻ của một số người đân ở thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn), họ đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3 công đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, trong đó 2 công trồng dừa, 1 công đất trồng tắc (quất) tứ quý. Chỉ sau khoảng 5 tháng trồng, tắc tứ quý cho trái, hiện mỗi tháng thu được khoảng 40kg trái, bán với giá từ 6.000 đến 10.000đ/kg. Nguồn thu từ 1 công đất trồng tắc tứ quý cũng đủ giúp gia đình trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2025, huyện Trà Ôn đặt mục tiêu chuyển đổi ít nhất 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở các xã Hựu Thành, Hòa Bình, Nhơn Bình, Xuân Hiệp, Trà Côn, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân và thị trấn Trà Ôn sang trồng sầu riêng, mít, tắc, mận cho giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trà Ôn đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy định của pháp luật.
Nhằm tăng cường hiệu quả của tài nguyên đất, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025. Theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 27.000 ha đất lúa, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm là hơn 26.000ha, và trồng cây lâu năm là hơn 1.400ha.
Riêng huyện Trà Ôn đặt mục tiêu chuyển đổi là 910ha đất lúa, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm là 900ha, trồng cây hàng năm là 10ha. Tại huyện Vũng Liêm, chuyển đổi hơn 5.000ha đất lúa, trong đó trồng cây hàng năm là 5.000ha. trồng cây lâu năm là hơn 108ha…Các địa phương đang phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định, đảm bảo hiệu quả chuyển đổi.
Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và mạng lưới thủy lợi sẵn có, Vĩnh Long đang dần hình thành nền nông nghiệp sinh thái, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một bước đi đúng hướng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân tại Vĩnh Long đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường, từ đó mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống gia đình.
Chí Công
Bình luận