Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 14/12/2023 12:12
TMO - Tỉnh Quảng Ninh xác định, việc mở rộng diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững sẽ tạo nguồn nguyên liệu gỗ trồng có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, bảo vệ bền vững tài nguyên cũng như môi trường sinh thái.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%. Với hơn 372.000ha đất có rừng, trong đó có 165.000ha rừng trồng sản xuất, địa phương này đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng. Đối với diện tích rừng này, gỗ sau khi khai thác được xác nhận nguồn gốc, đủ điền kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, đạt mức giá cao, mang lại lợi nhuận cho chủ rừng cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản. Rừng được cấp chứng chỉ đồng nghĩa rừng bền vững, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, trong 165.000ha rừng trồng của toàn tỉnh hiện nay cần cấp chứng chỉ rừng, có 23.000ha rừng hiện các địa phương đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025. Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC, các hộ dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì...
Toàn tỉnh đã có trên 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng.
Việc trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn VFCS/PEFC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Qua đánh giá, rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15-25% (tương đương 150.000-200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45-50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8-10 năm).
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng mặc dù rừng được cấp chứng chỉ mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cũng đang gặp phải những khó khăn. Trong đó, nhóm chủ rừng là hộ gia đình, vốn có diện tích rừng không lớn, tiềm lực kinh tế cũng như hiểu biết về quy trình thực hiện chứng chỉ rừng, trong khi đó việc cấp chứng chỉ rừng cần phải đảm bảo 10 nguyên tắc, gồm các nguyên tắc (tuân thủ pháp luật; các quyền của người lao động và điều kiện làm việc; các quyền của người bản địa; quan hệ cộng đồng; các lợi ích từ rừng; giá trị và tác động môi trường; lập kế hoạch quản lý; giám sát và đánh giá; các giá trị bảo tồn cao và thực hiện các hoạt động quản lý).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh đã có 23.140ha rừng trồng sản xuất của các địa phương đăng ký cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025. Để đẩy nhanh tiến độ, diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng theo quy định. Trong đó, đưa chỉ tiêu cấp chứng chỉ quản lý rừng vào quyết định giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cho các địa phương để triển khai thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, trong đó khuyến khích trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát và các loài cây bản địa, gỗ lớn; hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, đồng thời thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, chính sách về đất đai nhằm huy động các nguồn lực để khuyến khích chủ rừng triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tăng cường hướng dẫn các chủ rừng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ để tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên doanh, liên kết với các chủ rừng hình thành chuỗi liên kết nhằm thúc đẩy hình thành nhóm hộ; hỗ trợ kinh phí cho chủ rừng trong quá trình lập phương án quản lý rừng bền vững, lập hồ sơ đánh giá, kinh phí duy trì đánh giá sau khi được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Khai thác gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ tại nguồn nguyên liệu gỗ trồng có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Ảnh: BQN.
Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh... Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý bền vững. Tháng 10/2020, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã chính thức được Hội đồng chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận. Ðây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững của Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế, mở ra cơ hội cho các sản phẩm của ngành lâm nghiệp vươn ra thị trường thế giới.
Hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ. Để đưa nhiều sản phẩm vào các thị trường khó tính đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2017, khi Luật Lâm nghiệp ban hành, diện tích rừng có chứng chỉ còn khiệm tốn, đạt khoảng 250.000 ha.
Để thúc đẩy thực hiện, năm 2018 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS). Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Đến nay cả nước đã có khoảng 435.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 150.000 ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng như hỗ trợ 8 triệu/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn; những đề án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiệu quả, trong đó 2 chính sách lớn bao gồm: Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ.
Theo đó, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ có 7 hình thức liên kết: Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp; Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Bên cạnh đó, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành một số chính sách, trong đó có chính sách cho người vay trồng rừng gỗ lớn. Bộ NN&PTNT đang trong quá trình hoàn thiện cuối cùng để ban hành đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, trong đó có các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết, phấn đầu cuối năm 2030 cả nước có 1 triệu ha rừng gỗ lớn.
Minh Yến
Bình luận