Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 06/04/2023 08:04
TMO - Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng.
Tây Nguyên có tổng diện tích là 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,94%. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội; Các Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045...
Bảo vệ rừng hiệu quả góp phần giúp các địa phương trong vùng ổn định, phát triển kinh tế.
Trung ương đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, riêng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; đến năm 2045, trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng cần được bảo tồn và phát triển, hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng phải hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng.
Tây Nguyên được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, tài nguyên khoáng sản, đất đai, nguồn nhân lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt là kinh tế nông lâm nghiệp, để tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng lợi thế của vùng Tây Nguyên. Ngày 6/10/2022 Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 23 đã quan tâm đặc biệt đối với vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển kinh tế. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để các địa phương tại vùng Tây Nguyên đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ sản xuất nông lâm nghiệp sang kinh tế nông lâm nghiệp.
Đồng thời chú trọng bảo vệ phát triển rừng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, giúp ổn định nâng cao đời sống sinh kế của người dân gắn với rừng. Tạo sự lan toả giúp các tỉnh trong vùng Tây Nguyên phát triển bứt phá tạo nguồn lực tăng trưởng mới để phấn đấu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tiềm năng đối với Dịch vụ môi trường rừng tại khu vực Tây Nguyên là rất lớn. Nhiều tiềm năng dịch vụ của rừng nhưng chưa được khai thác, như dịch vụ phòng chống thiên tai, chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng; giảm lũ ống, lũ quét bảo vệ công trình thủy lợi vùng đầu nguồn. Những chức năng này của rừng cần được nghiên cứu lượng hóa thành tiền làm cơ sở xây dựng chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng.
Khu vực Tây Nguyên còn được biết đến là trung tâm đa dạng sinh học với các hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng là nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài động, thực vật hoang dã đặc hữu. Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp có tiềm năng mở rộng các loại hình du lịch sinh thái ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra.
Trồng mới gắn với chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế lâm nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong những năm qua tình trạng suy giảm diện tích rừng tại Tây Nguyên đang diễn ra ở mức độ cao, việc khai thác, chặt phá diễn ra thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng; việc phá rừng để lấn chiếm đất rừng làm đất sản xuất tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; công tác quản lý, lập hồ sơ theo dõi diễn biến rừng chưa được thực hiện nghiêm.
Cùng với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực hiện cũng đang bị suy giảm chất lượng, nhất là rừng tự nhiên. Tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,40% tương ứng với diện tích 0,403 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi chiếm đến 81,60% tương ứng với diện tích 1,788 triệu ha. Những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn còn ít và chủ yếu tập trung ở khu rừng đặc dụng.
Để phát triển kinh tế xanh bền vững dựa trên những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là diện tích rừng, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW nhấn mạnh: Các ngành, địa phương trong vùng cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai. Việc này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, khắc phục những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017.
Khu vực Tây Nguyên cần nâng cao hiệu quả chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững Dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam. Quy định, hướng dẫn chi tiết để mở rộng các nguồn thu các dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi và các cơ chế, chính sách để thực thi các thoả thuận về trao đổi kết quả giảm phát thải giữa các đối tác với địa phương.
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng. Nâng cao vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác phát triển lâm nghiệp, nhất là hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đảm bảo an sinh xã hội gắn với công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần quan tâm nghiên cứu đến trình độ phát triển của từng khu vực, có sự tham gia và hưởng lợi đối với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Khai thác tiềm năng Tây nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, kinh nghiệm chuyển đổi kép xanh và công nghệ số ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm: Phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; Phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Phát triển Dịch vụ - logistic - du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trần Bình
Bình luận