Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 18/10/2022 04:10
TMO - Tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã triển khai các đề tài, dự án, mô hình nghiên cứu phát triển các loại sâm Lai Châu góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao.
Lai Châu có tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ rừng 51,44%, có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Ngoài ra, rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đa dạng về loài và là nơi chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh như Sâm Lai Châu, Lan Kim tuyến, Bảy lá một hoa...
Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây trồng trên 1.600 cây mô hình và phát triển trồng khoảng 50 ha. Do đặc tính của sâm Lai Châu sống dưới tán rừng, nên khu vực được lựa chọn để phát triển chủ yếu là các cánh rừng già. Ngoài diện tích do hơn 200 hộ dân tự thuần hóa cây tự nhiên và nhân rộng, hiện nay đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Tận dụng những lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng sâm Lai Châu
Tại tỉnh Lai Châu, huyện Mường Tè là một trong những địa phương đang phát huy hiệu quả điều kiện tự nhiên trong phát triển cây sâm. Theo Báo cáo của UBND huyện Mường Tè, tính đến 30/11/2020, trên địa bàn huyện Mường Tè tổ chức triển khai thực hiện các mô hình, dự án trồng Sâm Lai châu (hay còn gọi là Tam thất) với diện tích 0,342 ha, kinh phí thực hiện 1.500 triệu đồng tại các xã Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thấy giá trị và tiềm năng phát triển của cây Sâm Lai Châu nên đã chủ động đầu tư, sưu tầm giống lấy từ trong rừng về và tiến hành nhân giống.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, khi củ có thành phần saponin phong phú với 52 loại hoạt chất quý hiếm và tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Từ nguồn cây giống được người dân lấy từ rừng về, đến nay bà con và các tổ chức trên địa bàn đã nhân rộng diện tích lên tới hàng chục ha và được coi là cây làm giàu của người dân địa phương.
Trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy hiệu quả kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển. Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống.
Hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... và nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù khác nhằm thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống dược liệu, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu Lai Châu…
Nâng cao chất lượng các vườm ươm cây giống được các Sở, ngành chức năng chú trọng hướng dẫn các địa phương, hộ trồng. Ảnh: Lê Dũng
Thời gian qua thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và để sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh Lai Châu đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp bộ; ban hành đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây Sâm Lai Châu trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, Hiệp hội Sâm Lai Châu luôn đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân, trong đó nhà khoa học sẽ cung cấp các luận cứ khoa học kỹ thuật nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, công lao động.
Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây Sâm Lai Châu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu.
Đồng thời, chỉ đạo lập sàn thương mại và đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội chính thống để thúc đẩy thị trường, đẩy mạnh giao dịch giống, sản phẩm của sâm Lai Châu; tạo lợi thế về mặt cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.
Minh Phương
Bình luận