Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ hai, 16/01/2023 04:01
TMO - Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy rừng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng.
Thời gian tới, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu quản lý bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có của tỉnh 416.123,05 ha; trong đó: Diện tích có rừng 343.095,00 ha (rừng tự nhiên 214.584,11 ha; rừng trồng 128.510,89 ha); đất mới trồng rừng chưa thành rừng 37.027,48 ha và đất chưa có rừng các loại 36.000,57 ha. Phấn đấu nâng tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2023 của tỉnh đạt 57,3%.
Tiếp tục thực hiện khoán bảo vệ rừng 122.515,36 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 35.426,16 ha; khoanh nuôi 377,8 ha; trồng rừng 8.000,0 ha ((trồng rừng phòng hộ 160 ha (trồng mới 60,0 ha; trồng lại rừng sau khai thác 100 ha), trồng rừng sản xuất 7.840 ha); khai thác 8.760 ha rừng trồng, sản lượng 1.051.200 tấn gỗ các loại (khai thác rừng trồng phòng hộ 272,0 ha; khai thác rừng trồng sản xuất khoảng 8.488,0 ha); sản xuất cây giống 200 triệu cây giống.
Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, đốt rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; lấn, chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng trái pháp luật; mua, bán, cất giữ, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản; săn bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã trái pháp luật. Phát hiện sớm lửa rừng, huy động lực lượng dập tắt cháy rừng khẩn trương, kịp thời và triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về diện tích và số vụ.
Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng nhằm phát hiện kịp thời nguy cơ cháy rừng, xâm hại diện tích rừng. Ảnh: MB
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2022, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có và diện tích rừng tạo mới; tích cực tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh phát triển tài nguyên rừng để nâng độ che phủ rừng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái,.. gắn với tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân vùng; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, bảo vệ và phát triển, khai thác và hưởng lợi từ rừng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái. Các chủ rừng có trách nhiệm tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, truy quét các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản; lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và thực hiện nghiêm công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng của mình.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng, các đơn vị cần tăng cường công tác phối hợp các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng của tỉnh Bình Định với các đơn vị thuộc các tỉnh giáp ranh; triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Dân quân tự vệ nhằm huy động lực lượng đủ mạnh trong tuần tra, kiểm tra, truy quét ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển, kinh doanh, mua, bán lâm sản trái pháp luật: UBND cấp huyện (có rừng) xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giao rõ trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, đảm bảo các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xâm hại rừng cao; giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổ chức lực lượng chốt chặn nghiêm ngặt tại các chốt, trạm đảm bảo lực lượng đủ mạnh, không để xảy ra trường hợp lâm tặc lợi dụng lực lượng mỏng để chống người thi hành công vụ.
Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và chủ rừng trong việc bảo vệ rừng: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn mình quản lý. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp Chủ rừng tăng cường công tác quản lý rừng tại gốc, thường xuyên trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, phối hợp ngăn chặn tình trạng khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật xảy ra trên địa bàn và giữa các khu vực giáp ranh.
Phòng cháy chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Định. Ảnh: ĐN
Đối với nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng, Kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên và tìm kiếm cứu nạn tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng (gọi tắt là Ban Chỉ huy). Xây dựng phương án PCCCR: Chủ rừng là tổ chức thực hiện kiểm tra rà soát, bổ sung Phương án PCCCR giai đoạn năm 2019 - 2023 và triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án.
Hạt kiểm lâm tiếp tục tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn cho UBND cấp xã rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án PCCCR giai đoạn năm 2019 - 2023; rà soát, bổ sung, điều chỉnh bản đồ PCCCR trên địa bàn quản lý. Trong thời kỳ cao điểm, khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã có rừng và các chủ rừng là tổ chức bố trí lực lượng trực tại các vị trí dễ xảy ra cháy rừng, các vị trí có lượng người qua lại nhiều, các khu vực di tích lịch sử trong rừng để hướng dẫn người dân, du khách cảnh giác khi sử dụng lửa, kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.
Thực hiện phương châm bốn tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” trong chữa cháy rừng; Dập tắt lửa phải khẩn trương, kịp thời và triệt để; Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, phương tiện, tài sản của nhân dân và người tham gia chữa cháy. Khi xảy ra cháy rừng, nhận được lệnh huy động chữa cháy, các lực lượng liên quan khẩn trương phối hợp với lực lượng kiểm lâm, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương và chủ rừng kịp thời đưa ra phương án xử lý các đám cháy, tham gia dập tắt đám cháy rừng.
Chủ rừng xác định mức độ rừng bị thiệt hại sau khi cháy, thống kê và báo cáo cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chính quyền địa phương sở tại. Căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới. Cơ quan Kiểm lâm sở tại phối hợp với UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền mức độ thiệt hại, giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ thiệt hại.
Ngoài ra, với nhiệm vụ phát triển rừng, thời gian tới tỉnh Bình Định tiếp tục đưa vào khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình 122.515,36 ha. Hỗ trợ bảo vệ rừng 35.426,16 ha; rà soát khoán mới đối với những diện tích đủ điều kiện theo quy định. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên: Chỉ đạo xác định những diện tích có khả năng phát triển thành rừng, tập trung thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để phát huy tối đa khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng bằng các biện pháp bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy chữa cháy rừng, phát dọn dây leo, cây bụi ở những nơi có điều kiện để thúc đẩy thành rừng. Tổ chức thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên chuyển tiếp 377,8 ha.
Kiểm tra, rà soát diện tích đất lâm nghiệp nhất là diện tích đất có trạng thái DT1, DT2; đưa vào kế hoạch trồng rừng đối với những diện tích đủ điều kiện trồng rừng theo quy định. Phấn đấu thực hiện trồng mới 60 ha rừng phòng hộ trong năm 2023. Chỉ đạo thực hiện trồng lại rừng sau khai thác khi đến thời vụ trồng rừng; khuyến khích trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; phấn đấu năm 2023 trồng và chuyển hóa 4.449,6 ha rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn. Đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, phấn đấu năm 2023 cấp Chứng chỉ rừng 6.092 ha, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ đến 2023 là 13.056,22 ha.
Phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; liên kết vùng nguyên liệu; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu trồng rừng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng thông qua các cơ chế chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, bảo hiểm, thuế, thị trường.
Minh Hải
Bình luận