Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ sáu, 17/11/2023 14:11
TMO - Nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động tài nguyên nước… là những giải pháp được các cấp, ngành tỉnh Bắc Kạn tích cực triển khai nhằm đảm bảo khai thác, bảo vệ có hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Bắc Kạn là tỉnh khởi nguồn của nhiều dòng sông, suối với mạng lưới khá dày đặc và chảy theo những hướng khác nhau. Toàn tỉnh có 5 hệ thống sông chính, gồm sông Cầu, sông Năng (nhánh sông Gâm), sông Phó Đáy, hệ thống sông Bắc Giang và sông Na Rì; 35 hồ chứa nước và 2.380 công trình đập dâng, kênh dẫn, trạm bơm, hệ thống công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho khoảng 20.000 ha lúa, hoa màu và khoảng 300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Với hệ thống các sông, suối, hồ, ao… phong phú nên nhìn chung Bắc Kạn có trữ lượng nước lớn. Tổng lượng nước mặt toàn tỉnh khoảng 3,7 tỷ m3, hằng năm tiếp nhận khoảng 2 - 2,5 tỷ m3 nước mưa.
Theo đánh giá sơ bộ, nguồn tài nguyên nước ngầm của tỉnh không lớn, chất lượng nước trung bình, trữ lượng khai thác có thể đạt 660.000 m3/ngày đêm. Hiện được khai thác ở thành phố Bắc Kạn và thị trấn huyện lỵ với lưu lượng 28.000 m3/ngày đêm nhưng đòi hỏi phải xử lý tốn kém. Một số vùng nông thôn, nhân dân khai thác nước ngầm từ các giếng khoan (khoảng 15.000 m3/ngày đêm) nhưng chất lượng còn hạn chế.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của ngành chức năng, một số khu vực nằm ven các sông, suối có nguồn nước tưới bảo đảm, còn đa phần là khó khăn về nguồn nước và phụ thuộc vào nước trời. Do vùng nghiên cứu nằm ở đầu nguồn các con sông, có địa hình dốc, khi có mưa nước tập trung nhanh về các sông chính. Mặt khác lớp phủ thực vật một số vùng giảm do chặt phá rừng, vì vậy đa số các dòng suối nhỏ trong vùng đều bị cạn kiệt vào mùa khô. Do phần lớn các công trình đều nằm trên các con suối nhỏ, vì vậy nguồn nước không ổn định, phụ thuộc nhiều vào lượng mưa tại khu vực có công trình, vì vậy khả năng tưới của các công trình nhiều khi còn phụ thuộc vào tự nhiên
Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước. Kịp thời hướng dẫn thực hiện các văn bản liên quan đến công tác tài nguyên nước. Hằng năm, thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền với các hoạt động hưởng ứng ngày lễ lớn như: Ngày Nước thế giới 22/3, Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...
Tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành nội dung công bố danh mục ao hồ không được san lấp; theo đó có tổng số 46 hồ, 28 ao thuộc địa bàn 6 huyện không được san lấp để phòng chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước. Tỉnh cũng khoanh định được các vùng hạn chế, vùng phải đăng ký nước dưới đất. Các địa phương hướng dẫn các cá nhân, tổ chức đăng ký và xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất; tiến hành rà soát, thống kê danh sách, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có giếng khai thác nước dưới đất không sử dụng để xử lý, trám lấp theo quy định. Từ năm 2020 đến nay, Bắc Kạn đã xử phạt 5 tổ chức và 1 cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước.
Hằng năm, cơ quan chuyên môn chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo thủy văn, dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước để xây dựng kế hoạch tích trữ, phân phối, cấp nước tưới tiêu đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng nguồn nước hiệu quả, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời xây dựng phương án phòng chống thiên tai; thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi xả nước thải, chất thải vào công trình thủy lợi làm ô nhiễm nguồn nước...
Trước tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội, đòi hỏi công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cần được tăng cường, siết chặt.
Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội đã và đang tạo sức ép đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hệ thống quản lý, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước của tỉnh chưa hoàn thiện, các trang thiết bị phục vụ giám sát, kiểm tra, quản lý còn thiếu nên việc theo dõi diễn biến nguồn nước chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn có 4/8 huyện chưa có hệ thống công trình xử lý nước thải tập trung, chất thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất không được xử lý, thải trực tiếp ra hệ thống kênh rãnh ra sông suối hoặc thấm xuống đất làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật. Cùng với đó, phương thức khai thác và sử dụng nước trong lĩnh vực thủy điện chưa bền vững, các dự án thuỷ điện đều có quy mô, công suất và diện tích lòng hồ nhỏ, lưu lượng dòng chảy thấp; đập trữ nước được thiết kế dạng đập dâng, tràn tự do nên không có khả năng điều tiết lũ. Mặt khác, trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước, chủ đầu tư mới quan tâm đến lợi ích phát điện, chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường và hệ sinh thái...
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu, quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thời kỳ đến năm 2030 tầm nhìn 2050 của tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước. Bảo đảm việc khai thác không vượt quá ngưỡng cho phép gây suy thoái cạn kiệt nguồn nước. Phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương trong mối liên kết vùng, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường. Bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, chú trọng đối với các hồ chứa lớn, các hồ chứa có khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở chính trị, văn hóa, công trình quốc phòng an ninh quan trọng. Khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô. Xây dựng các kịch bản và phương án phòng chống hạn hán, phối hợp thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền.
Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông; việc bố trí phát triển các công trình khai thác nước mới phải bảo đảm không vượt quá giới hạn khai thác, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, giới hạn chiều sâu mực nước cho phép khai thác của khu vực, tầng chứa nước và phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của vùng liên tỉnh.
Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước để cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế cao, ít tiêu tốn nước; hạn chế khai thác nước dưới đất có chất lượng tốt để cung cấp cho các ngành, lĩnh vực có suất tiêu thụ nước lớn, nhất là ở những vùng, khu vực có thể khai thác, sử dụng nguồn nước mặt. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước; phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật khác có liên quan.
Để bảo vệ, phòng chống nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tại Kế hoạch 636/KH-UBND về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên nước vừa được ban hành, UBND tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy Đảng, sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm hơn nữa trong chỉ đạo ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên nước trái phép trên địa bàn...
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương, đơn vị, các ngành chức năng với các địa phương tăng cường phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên nước; quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải của các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu du lịch và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý; vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường; nâng cao vai trò của quần chúng Nhân dân, các tổ chức, đoàn thể trong việc giám sát hoạt động thi công các công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Đức Nam
Bình luận