Hotline: 0941068156
Thứ ba, 08/04/2025 08:04
Thứ hai, 07/04/2025 06:04
TMO - Để nâng cao trách nhiệm cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh Quảng Ngãi đã liên tục triển khai đa dạng các giải pháp nhằm tái tạo giống thuỷ sản bản địa, đồng thời bảo tồn tính đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Theo ngành chức năng, hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản là một việc làm có ý nghĩa và hết sức thiết thực, là một trong những biện pháp nhằm tái tạo, phục hồi các loài thuỷ sản đang bị suy giảm, có nguy cơ bị tuyệt chủng giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Để phát triển thuỷ sản bền vững, tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.
Mới đây, ngày 1/4 Chi cục Thuỷ sản và Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, người dân địa phương thả hơn 1,5 triệu con tôm sú, cua xanh và cá hồng Mỹ xuống khu vực Cửa Lở, xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức. Đây là một trong những hoạt động truyền thống thường niên nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, cũng là dịp truyền thông, nâng cao ý thức ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo chia sẻ của ngư dân ở xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức cho biết, những năm gần đây, hải sản ven bờ không còn dồi dào như trước, lượng cá nổi nhỏ quá nhiều nên giá bán thấp. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bà con có ý thức hơn trong đánh bắt, cấm đánh bắt ở khu vực mới thả, khu vực sinh sản của các loại cá tôm, không được sử dụng các dụng cụ khai thác thủy sản mang tính huỷ diệt, phá hoại môi trường sống của thủy sản. Nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của tỉnh Quảng Ngãi đang chịu áp lực khai thác cao, sản lượng khai thác vượt quá mức làm thuỷ sản suy giảm nhanh, đặc biệt là các nhóm thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Kết quả đánh giá 20 loài hải sản kinh tế thì có đến 55% đối tượng chịu áp lực khai thác ở mức rất cao và cao. Đặc trưng phân bổ của nguồn lợi thủy sản ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi là cá nổi nhỏ tập trung vùng nông ven bờ. Vì vậy, các tàu cá khai thác vùng bờ, vùng lộng sẽ tập trung đông, khai thác vượt quá mức và có tính tận diệt.
Tình trạng ngư dân sử dụng phương tiện và ngư cụ khai thác theo kiểu tận diệt, tàu cá khai thác sai vùng, tuyến đã xâm hại nghiêm trọng đến sự đa dạng của nguồn lợi thủy sản. Cán bộ Đồn Biên phòng Đức Minh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức ngư dân. Tuần tra trong tháng cao điểm, hoạt động được triển khai thường xuyên, tuyên truyền ngư dân tố giác các hoạt động sử dụng xung kích điện trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi đang dần cạn kiệt.
Các địa phương ven biển của tỉnh này có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để bảo vệ và phục hồi lại nguồn lợi thủy sản ven bờ. Lãnh đạo UBND xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện đã tổ chức tuyên truyền cho người dân không dùng những loại bẫy, chích điện làm hủy hoại môi trường sống của các loại thủy sản. Địa phương cũng xác định đây là một trong những chương trình tái tạo rất tốt để tạo nguồn thủy sản ven bờ, đáp ứng được yêu cầu của người dân, sau khi đủ điều kiện khai thác mới được phép khai thác. Hàng năm, Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các đợt thả cá, tôm, cua ở nhiều khu vực sông, hồ, biển để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là bảo vệ sinh kế bền vững cho ngư dân. (Ảnh minh hoạ).
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất tỉnh thí điểm cấm biển 1 tháng ở vùng ven bờ và 3 tháng đối với các nghề có mức xâm hại cao. Tỉnh cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại 5 khu vực, gồm: Vùng ven bờ các xã Bình Phú - Bình Châu, huyện Bình Sơn; Tịnh Khê - Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ; vùng biển phía nam đảo Lý Sơn và vùng biển ven thị xã Đức Phổ. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực nước ngọt, nước mặn và nước lợ là giải pháp lâu dài, tạo sinh kế cho người dân.
Ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thông qua những hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản đã tuyên truyền phổ biến đến người dân, đặc biệt là cư dân sống bằng nghề sinh kế khai thác thủy sản thì cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong khai thác tránh những việc là dùng xung điện, chất nổ, chất độc hay dùng những ngư cụ không được phép khai thác, mắc lưới quá nhỏ để làm suy kiệt nguồn lợi chung tay bảo vệ phát triển nguồn lợi.
Đáng chú ý, để bảo vệ khu vực các loài thủy sản tập trung sinh sản, khu vực ươm giống và thủy sản còn non sinh sống, năm 2024, Quảng Ngãi còn ban hành lệnh cấm khai thác thủy sản ven bờ có thời hạn tại phía nam đảo Lý Sơn và thị xã Đức Phổ với quy mô hơn 15.000ha. Thời gian cấm khai thác từ ngày 1/11 đến ngày 30/11 hàng năm.
Việc ban hành quy định cấm đánh bắt được xem là biện pháp thích hợp tạo cơ hội cho thủy hải sản sinh sôi, nảy nở. Trong thời gian cấm, nếu ngư dân nào cố tình vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản, cộng đồng dân cư chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Sở hữu nhiều diện tích mặt nước sâu ở khu vực biển, cửa sông, nghề nuôi trồng thuỷ sản đang trở thành hướng đi mở ra nhiều tiềm năng cho người dân ven biển Quảng Ngãi. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Bích Ngọc
Bình luận