Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 02:11
Thứ năm, 26/05/2022 11:05
TMO - Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch, triển khai các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè, hồ đập xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, huy động huy động lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng phó với những sự cố.
Thống kê từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh có 610 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có hồ Cửa Đạt được xếp vào loại “quan trọng đặc biệt”, do Bộ NN&PTNT quản lý. Các công ty thủy nông và các huyện đang quản lý, vận hành 113 hồ lớn và vừa. Còn lại là các hồ chứa nước nhỏ chủ yếu do các địa phương quản lý và vận hành.
Các công trình thủy lợi, hồ chứa được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo khai thác và vận hành an toàn trong mùa mưa lũ
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 1.008 km đê sông, đê biển (trong đó, đê từ cấp I đến cấp III dài 315 km, đê dưới cấp III dài 693 km). Trên các tuyến đê có 1.118 âu, cống qua đê; 404 kè lát mái, với tổng chiều dài là 244,1 km. Toàn bộ hệ thống đê bảo vệ cho 17 huyện, thị, thành phố, với 242 xã có đê đi qua.
Tuy nhiên theo thống kê từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện nay địa phương này còn 132,5km đê từ cấp I đến cấp III thiếu cao trình so với thiết kế; nhiều đoạn đê có mặt đê nhỏ, hẹp, chưa được cứng hóa... Ngoài ra, do các hồ, đập chủ yếu được xây dựng những năm 1970 - 1980, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng.
Bên cạnh những công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn, còn lại các hồ chứa đều tiềm ẩn sự cố ở các hạng mục đầu mối như đập đất bị thẩm lậu, xói mòn mái; thiết bị đóng mở, đập đất bị sạt lở, thấm mạnh phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy...
Tỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác sửa chữa, nâng cấp hệ thống bờ bè tại các tuyến đê xung yếu
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, bố trí sẵn sàng trên các trọng điểm đê điều, hồ đập, kho bãi chuyên dụng phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu.
Đồng thời, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đoạn đê trọng điểm, xung yếu và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt. Từ đầu năm đến tháng 5/2022, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 29 phương án bảo vệ các đoạn đê trọng điểm, xung yếu.
Chi cục Thủy lợi đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lực lượng ra quân phát quang, thanh thải các bãi tập kết rác thải trong phạm vi bảo vệ hành lang đê điều. Chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Tổ chức diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê, nhất là lực lượng canh đê, xung kích hộ đê.
Đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt diện rộng và thiệt hại nhiều ha hoa màu, tài sản của người dân. Ảnh Phúc Ngư
Vừa qua, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ ngày 21 – 24/5, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 220 mm. Mưa to kéo dài đã gây ngập úng nhiều nơi, gây thiệt hại tài sản của người dân.
Theo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h00 ngày 25/5, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 nhà ở bị đất đá tràn vào; 3.458,82 ha lúa bị ngập; 25,72 ha mạ bị ngập; 315,7 ha ngô, hoa màu bị ngập; 15,4 ha màu, rau màu, 5 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 56,8 ha cây ăn quả bị ngập; 3,25 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 448,74 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5.306 con gia cầm bị chết.
Mưa lớn cũng gây sạt taluy âm 20m tại Quốc lộ 217; sạt taluy dương 363m3 tại Km57+050 và Km85+820 Quốc lộ 15C. Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua các huyện miền núi bị sạt lở tổng cộng 14 điểm; 3 cầu tạm bị cuốn trôi.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng từ các đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, hành hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ năm nay, đặc biệt cần phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, đê điều để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việt Dũng
Bình luận