Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ ba, 01/10/2024 08:10
TMO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường kết hợp lũ trên sông gây ngập lụt tại các địa phương.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, khu vực đầu nguồn đạt đỉnh triều vào ngày 4 và 5-10 (1-9 âm lịch), mực nước cao nhất tại Hồng Ngự là 3,35m, đạt đỉnh năm 2024 từ ngày 18 và 20-10 (15-9 âm lịch) với mực nước 3,5m, mức báo động cấp I (cao hơn đỉnh triều tháng 9 vừa qua từ 0,2-0,3m).
Khu vực nội đồng Tháp Mười đạt đỉnh năm từ ngày 19 đến 22-10, báo động cấp II - cấp III, mực nước cao nhất năm tại Trường Xuân ở mức 2,3m (cao hơn đỉnh triều tháng 9 vừa qua 0,3-0,4m). Tại các huyện thị khu vực phía nam tỉnh Đồng Tháp, đỉnh triều cao nhất năm vào ngày 18 đến 20-10; ở mức cao hơn báo động cấp III khoảng từ 0,1 - 0,2m, mực nước cao nhất năm tại Cao Lãnh ở mức 2,45 - 2,55m.
Theo nhận định, đỉnh lũ năm 2024 ở mức cao hơn năm 2023 từ 0,1 - 0,4m. Các huyện, thành phố khu vực đầu nguồn các huyện Hồng Ngự, TP Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình hiện trạng các ô bao tương đối ổn định, đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, mực nước lũ nội đồng đang lên nhanh, do đó một số ô bao thuộc xã Hưng Thạnh, Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười; ô bao số 37 và ô bao số 41 thuộc xã Phú Cường, huyện Tam Nông có nguy cơ bị tràn khi nước lũ lên cao kết hợp mưa lớn cục bộ. Các huyện, thành phố khu vực phía nam, một số vùng có nguy cơ bị tràn khi nước lũ lên nhanh kết hợp mưa lớn.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai giải pháp để bảo vệ sản xuất khi xảy ra lũ kết hợp với triều cường. Ảnh: ĐT.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên biển Đông xuất hiện 4 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, nhưng đã gây ra 35 đợt mưa to kèm theo sấm sét, gió mạnh làm thiệt hại hoàn toàn 7 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 240 căn, 4 phòng học… Ước tổng thiệt hại do giông lốc khoảng 10,7 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay xảy ra 6 vụ sạt lở sông Tiền với chiều dài sạt lở 236m, diện tích sạt 5.088m2; xảy ra sụp lún mái, chân kè chống xói lở bờ sông Tiền. Ước thiệt hại khoảng 2,0 tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng sạt lở xảy ra nhiều hơn ở một số sông, kênh rạch nội đồng gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.
Đối với đợt ảnh hưởng mưa lớn, lũ lên nhanh kết hợp triều cường kỳ 15/8 âm lịch (29/9/2024), các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ, chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng lũ, triều cường gây ra tại các huyện, thành phố. Một số đoạn trũng thấp nước tràn cục bộ đã được các địa phương chủ động gia cố khắc phục. Bên cạnh đó, do mưa lớn, kết hợp triều cường đã làm ngập các tuyến đường nội bộ một số cụm công nghiệp và tuyến đường trên địa bàn tỉnh…
Trước dự báo trên, nhằm chủ động bảo vệ sản xuất cũng như hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân do lũ kết hợp với triều cường, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương liên quan phối hợp thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống thiên tai sát tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Ngành chức năng quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, đảm bảo ngăn lũ triệt để, kiểm tra tình trạng đê bao, bờ bao, xác định vị trí xung yếu và đề xuất biện pháp khắc phục.
Các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để chủ động biện pháp phòng tránh. Bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát phương án ứng phó phù hợp tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương; xác định vị trí xung yếu trên tuyến đê bao, bờ bao; tuần tra, canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện (cừ tràm, bao tải cát...) sẵn sàng xử lý ngay khi có tình huống xấu.
Các đơn vị chủ động phương án phòng, chống ngập úng, vận hành hệ thống cống, trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là khu dân cư tập trung, vùng sản xuất cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản; vận động người dân thu hoạch diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch.
Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến kiểm tra công tác phòng, chống lũ bảo vệ sản xuất tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Tam Nông, đa số các ô bao trên địa bàn huyện đều đảm bảo an toàn, riêng ô bao số 41 (thuộc xã Phú Cường) hiện canh tác khoảng hơn 400 ha lúa, do mực nước lũ nội đồng đang lên nhanh, kết hợp mưa lớn cục bộ và đợt triều cường tới nên có nguy cơ bị tràn. Hiện nay, chính quyền địa phương đang huy động máy móc để gia cố các điểm xung yếu.
Trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tại kênh 307 (Ấp 4, xã Mỹ Hiệp) do ảnh hưởng từ lũ, mưa và triều cường đợt trước đã xảy ra nước tràn cục bộ ở một số điểm. Còn tại ô bao số 38 (xã Bình Thạnh) đợt triều cường trước cũng xảy ra ngập cục bộ, tuy nhiên nước rút nhanh, do đó, không ảnh hưởng đến cây trồng của người dân. Hiện chính quyền địa phương đang gia cố lại các điểm xung yếu để chủ động ứng phó với đợt triều cường tới.
Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị huyện Tam Nông và huyện Cao Lãnh khẩn trương gia cố các điểm xung yếu, rà soát tổng thể các ô bao bảo vệ sản xuất, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc theo dõi sát các khu vực sản xuất, ô bao xung yếu trên địa bàn để kịp thời có chỉ đạo trong công tác phòng, chống lũ. Các địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý thực hiện xả lũ các khu vực đúng theo kế hoạch, không để người dân sản xuất tự phát ở các khu vực ngoài đê bao, tránh thiệt hại khi nước lũ dâng cao.
Be bờ bảo vệ hoa màu ở xã Tân Nghĩa (Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ảnh: TTX.
Tại huyện Châu Thành, tại ô bao số 9, trong đợt triều cường trước đã xảy ra sạt lở một đoạn, dài hơn 330m, địa phương đã nhanh chóng khắc phục, do đó, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Theo dự báo, mực nước khu vực phía Nam của tỉnh đạt đỉnh triều cường đợt 1 tháng 9 âm lịch sắp tới vào ngày 4-5/10 ở mức báo động cấp II-III rồi xuống chậm đến ngày 12/10; sau đó lên nhanh và đạt đỉnh cao nhất vào ngày 18-20/10 (mức báo động cấp III từ 0,1-0,2m). Qua đó, các bờ bao trên địa bàn huyện Châu Thành vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát lũ tốt và bảo vệ sản xuất an toàn.
Trước tình hình này, huyện Châu Thành tổ chức vận động người dân sản xuất lúa tranh thủ thu hoạch sớm để tránh mưa và nước lũ lên làm ảnh hưởng sản xuất; đồng thời chủ động các biện pháp gia cố đê bao, hệ thống thủy lợi, đập dã chiến để bảo vệ sản xuất…
Tại huyện Lai Vung, để ứng phó với triều cường dâng cao, địa phương đã chủ động đảm bảo 35 đập dã chiến ngăn nước tại các vàm kênh; triển khai phương án gia cố nâng cao đê bao. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ gia cố đê bao cho tuyến kênh Cán Cờ, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu. Huyện cũng kịp thời củng cố các lực lượng xung kích của các địa phương nhằm ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra…
Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, thiên tai xảy ra với diễn biến bất thường nên các sở, ngành tỉnh và địa phương cần lấy công tác phòng, chống làm trọng tâm để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Trong đó, cần tập trung không để bị động, chuẩn bị mọi điều kiện ứng phó với mưa lũ; chủ động bảo vệ các hệ thống đê bao, điểm xung yếu chống lũ lụt; cập nhật, bổ sung các phương án ứng phó; củng cố các đội, tổ phòng chống lụt bão tại các địa phương; thực hiện các giải pháp đảm bảo đê bao, ô bao an toàn bảo vệ khu sản xuất trọng yếu; khảo sát đánh giá lại các vùng sản xuất hoa màu; đảm bảo hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống giao thông trước ảnh hưởng mực nước lên cao…/.
Thu Hà
Bình luận