Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 23:11
Thứ ba, 02/05/2023 07:05
TMO - Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển diễn ra phức tạp tại tỉnh Sóc Trăng, đã và đang ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của người dân, vì vậy địa phương này cần chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực phòng, chống, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.
Với nhiều địa phương nằm dọc theo sông Hậu, trước tác động của biến đổi khí hậu mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng còn ghi nhận hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm tại các địa phương như: Long Phú, Kế Sách và Cù Lao Dung. Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng...Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho thấy từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500-1.000m.
Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ảnh: BND.
Kết quả khảo sát tình trạng sạt lở khẩn cấp tuyến đê bao Tả, Hữu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung cho thấy, có trên 30 điểm sạt lở nghiêm trọng lấn sát chân đê bao Tả, Hữu trên địa bàn 2 xã là Đại Ân 1 (18 điểm sạt lở) và xã An Thạnh Đông (12 điểm sạt lở), với chiều dài sạt lở hơn 1.500m (xã An Thạnh Đông là 950m; xã Đại Ân 1 là 550m).
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kế Sách, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm địa phương bị sạt lở khoảng 2km, ăn sâu vào bờ bao, đường đal, vườn cây ăn trái, diện tích đất bị mất khoảng 1ha. Trong năm 2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở bờ bao, đường lộ nông thôn 33 đoạn với chiều dài hơn 1,1km, đã khắc phục được 29 đoạn, tương đương gần 1km và đang tiếp tục đề xuất các phương án khắc phục sạt lở các đoạn còn lại; sạt lở đê, cồn có 9 đoạn với chiều dài gần 1km, tập trung ở các tuyến đê sông thuộc các xã An Mỹ, Nhơn Mỹ, thị trấn Kế Sách, xã Thới An Hội, và các tuyến đê cồn xã Phong Nẫm, ấp An Tấn, An Công thuộc xã An Lạc Tây.
Thị xã Vĩnh Châu có 43 km bờ biển, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy nên tình hình sạt lở đê biển, bờ biển xảy ra thường xuyên. Hiện nay, nhiều khu vực bờ biển không còn rừng phòng hộ, có đoạn đai rừng còn rất mỏng nên sóng biển thường xuyên uy hiếp hệ thống đê biển.
Biến đổi khí hậu luôn có diễn biến phức tạp và khó có thể dự báo chính xác nên bên cạnh việc đôn đốc tiến độ hoàn thiện các công trình đã được phê duyệt, ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương rà soát lại những điểm xung yếu, những điểm nguy hiểm, phức tạp để có giải pháp tham mưu khắc phục kịp thời, góp phần ổn định hoạt động sản xuất và đời sống dân sinh.
Bảo vệ đê biển trước tác động của thiên tai là nhiệm vụ quan trọng được địa phương này ưu tiên nguồn lực triển khai.
Để bảo vệ đê biển, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp công trình để xử lý sạt lở cấp bách bờ biển. Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng, riêng trong năm 2022 vừa qua, tỉnh đã triển khai nâng cấp hơn 22km đê biển; triển khai dự án xử lý sạt lở bờ biển khu vực từ cống số 2 đến cống số 4, chiều dài 2km và khu vực K41; triển khai công trình chống sạt lở bờ biển chiều dài 2,2km thuộc xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu… Ngoài ra tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến giải pháp phi công trình bằng cách phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang chắn sóng biển bảo vệ thân đê.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin: Đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn chỉ mang tính khắc phục tạm thời theo phương thức xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đảm bảo tuyệt đối và cũng có những điểm khắc phục tạm thời sau đó vẫn xảy ra sạt lở. Về lâu dài, tỉnh cần nguồn kinh phí hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông thông qua các giải pháp công trình và phi công trình. Vậy nên ngoài sự quan tâm dành nguồn kinh phí của tỉnh, Sóc Trăng cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương mới có thể triển khai thực hiện
Tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thành nhiều công trình trọng điểm phòng, chống sạt lở, như: Hoàn thành việc triển khai Dự án nâng cấp đê cồn huyện Kế Sách với kinh phí 40 tỷ đồng, hoàn thiện Dự án chống sạt lở tại huyện Cù Lao Dung với kinh phí 80 tỷ đồng... Hiện nay, tỉnh tiếp tục đôn đốc tiến độ nâng cấp 22,454 km đê biển tại huyện Cù Lao Dung (thuộc Dự án WB9). Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ kinh phí triển khai thêm nhiều công trình phòng, chống thiên tai tại các điểm xung yếu thuộc địa bàn có nguy cơ sạt lở cao, nhằm giúp người dân an tâm sản xuất. Trong năm 2022, tỉnh Sóc Trăng cũng đã được Trung ương hỗ trợ xây dựng kè ngầm chắn sóng ở phía ngoài từ ranh giới tỉnh Bạc Liêu đến Cống số 2.
Lê Hoàng
Bình luận