Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ hai, 30/01/2023 13:01
TMO - Để chủ động phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kịch bản, phương án cho từng vùng nhằm bảo vệ, ổn định các vùng sản xuất.
Trong vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, Tiền Giang xuống giống 47.440 ha, trên 20.000 ha rau màu thực phẩm các loại. Địa phương này phấn đấu đạt sản lượng vụ Đông Xuân 2022 – 2023 trên 335.000 tấn lúa tiêu dùng và xuất khẩu, trên 400.000 tấn rau màu hàng hóa cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Để bảo vệ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai, tạo tiền đề cho vụ sản xuất mới bội thu, tỉnh Tiền Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, tích cực lấy nước ngọt trữ trong nội đồng đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa nói riêng, cây trồng trong toàn vùng dự án nói chung, không để thiên tai gây hại.
Tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương chủ động nguồn nước phòng, chống hạn, mặn, tích cực lấy nước ngọt trữ trong nội đồng đảm bảo tưới tiêu (Ảnh minh họa)
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô năm 2022 - 2023 từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn từ 5% - 10% so với trung bình nhiều năm, nhưng lớn hơn mùa khô năm 2021 - 2022. Mùa mưa năm 2022 được dự báo kết thúc muộn. Lượng mưa trong các tháng đầu mùa khô tại vùng ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa trong mùa khô. Do đó, tình hình hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2021 - 2022. Dự báo, tháng 12/2022, ranh mặn 4,0 g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 10 - 20km, tháng 01 và 02/2023, ranh mặn 4,0 g/lít có khả năng xâm nhập ở mức 25 - 35km, tương đương năm 2021 - 2022.
Trước dự báo trên, ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị trong vùng dự án tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, dọn lục bình và cỏ rác, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy, nhất là các tuyến kênh trục, kênh cấp 1, kênh cấp 2. Đồng thời, khuyến khích Nhân dân tích cực trữ ngọt trong các ao mương, kênh rạch và trong ruộng đồng nhằm phòng, chống hạn, mặn nói chung. Bên cạnh đó, kiện toàn kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ sản xuất, tích cực lấy nước ngọt trữ trong nội đồng chủ động tưới tiêu. Tỉnh Tiền Giang đầu tư trên 864 tỷ đồng thi công các công trình cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cặp theo bờ bắc sông Tiền gồm: Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng, Phú Phong và Rạch Gầm.
Đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang ngay từ đầu vụ sản xuất xây dựng và triển khai kế hoạch vận hành các cống lấy nước hợp lý; tổ chức đo đạc, cập nhật diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông và kênh rạch cũng như thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình thủy lợi, diễn biến mực nước, độ mặn ngoài sông hoặc trong nội đồng kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và có phương án xử lý thích hợp, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Các vùng sản xuất triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn trong mùa khô.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, các huyện phía Tây của tỉnh là khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi xâm nhập mặn. Do đó, tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là tại vùng chuyên canh cây ăn trái. Để đảm bảo việc ngăn mặn, các địa phương sẽ chủ động sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; tổ chức đắp đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 2, 3 để trữ nước. Hiện nay, tỉnh đang triển khai các cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên Đường tỉnh 864.
Cũng theo phương án phòng, chống hạn, mặn của tỉnh, đối với vùng cù lao xã Tân Phong, Ngũ Hiệp, Long Đức, huyện Cai Lậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động Nhân dân củng cố hệ thống đê bao, sửa chữa các cống hiện có, chuẩn bị sẵn sàng vật tư để đắp đập nhằm ngăn mặn triệt để; nạo vét kênh, mương, tích cực trữ nước ngọt trong mương vườn. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ vận hành 17 giếng khoan giếng dự phòng khai thác nước dưới đất để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt.
Minh Trí
Bình luận