Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ sáu, 08/09/2023 13:09
TMO - Các tháng còn lại của năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Đồng thời chủ động xây dựng 2 kịch bản cung ứng điện cho năm 2024.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, tổng sản lượng điện tháng 8 (đến hết ngày 30/8/2023) đạt 24,884 tỷ kWh. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 186,7 tỷ kWh, tăng trưởng 3,0% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,7% so với Kế hoạch năm 2023 được phê duyệt. Theo tính toán cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9/2023 đến tháng 12/2023) ước đạt 95,6 - 97,2 tỷ kWh, tăng 9,9% - 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng 5,1% - 5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,1% - 99,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt. Công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia xây dựng kế hoạch cung cấp điện 2024 nhằm đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong năm 2024.
Về tình hình bảo đảm cung ứng điện trong những tháng còn lại của năm 2023, EVN cho biết, việc cung ứng than cho phát điện đã được bảo đảm, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, do đó công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 cơ bản sẽ được bảo đảm, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
EVN chủ động 2 kịch bản đảm bảo cung ứng đủ điện trong thời gian tới.
Về cung ứng điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023. Trước những biến động của thị trường năng lượng và hình thái thời tiết bất ổn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lên 2 kịch bản cho cấp điện năm 2024.
Đối với kịch bản 1: Nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường ( tương ứng tần suất 65%) Kịch bản 2: Cực đoan ( lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023 tương ứng tấn suất khoảng 90%). Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.
Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 đến khoảng 1.770MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm.
Để bảo đảm cung ứng điện trong những tháng còn lại của năm 2023, hiện EVN đang tập trung vào các giải pháp như: Đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy của EVN và các đơn vị thành viên; hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều thấp; làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)... để đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống; lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao để đạt công suất cần thiết (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định.
Để đảm bảo nhiên liệu than năm 2024 và các năm tiếp theo, hiện nay EVN đang làm việc với TKV và Tổng công ty Đông Bắc, đây là 2 tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu về nhập khẩu than, tiềm lực tài chính lớn..đảm bảo cung cấp toàn bộ than cho sản xuất điện của các nhà máy sử dụng than antraxit của EVN từ 1/1/2024 đảm bảo đủ nhu cầu vận hành và chất lượng theo yêu cầu của bên mua. Qua đó nâng tổng khối lượng than cung cấp hàng năm trong hợp đồng dài hạn hiện hữu lên khoảng 27-28 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu huy động trong thời gian tới.
Để đảm bảo nhiên liệu khí cho phát điện năm 2024 và các năm tiếp theo, đảm bảo tận dụng hạ tầng cung cấp khí hiện hữu sẵn có đáp ứng tiến độ và nhu cầu nhiên liệu khí cho phát điện EVN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao PVN là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu khí cho phát điện (bao gồm cả khí LNG khai thác trong nước và nhập khẩu).
Việc bổ sung khí LNG cho các nhà máy điện được thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn các nhà cung cấp LNG, đảm bảo công khai, cạnh tranh minh bạch. Khí thiên nhiên được ưu tiên cung cấp cho các nhà máy điện, việc phân bổ khí cho các nhà máy điện sử dụng chung hạ tầng được thực hiện phân bổ đều trên tỷ trọng sử dụng đảm bảo bình đẳng và tính cạnh tranh trên thị trường. Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, EVN sẽ triển khai ngay việc đàm phán bổ sung khí LNG để kịp tăng nguồn cung khí cho năm 2024.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia triển khai phương án đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Ngày 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian tới.
Công điện nêu rõ: Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, yếu tố nền tảng và là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân (tại các văn bản: các Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2022, số 160/CĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ; Công văn số 745/TTg-CN ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ; các Công văn số 4286/VPCP-CN ngày 10 tháng 6 năm 2023, số 2240/VPCP-CN ngày 02 tháng 7 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu Khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Thu Hương
Bình luận