Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 27/12/2023 07:12
TMO - Những năm qua, việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng để phát huy tối đa lợi thế của rừng, tạo việc làm, thêm thu nhập, cải thiện sinh kế, giúp người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên gắn bó với rừng.
Tại tỉnh Điện Biên, đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ canh tác nông, lâm nghiệp, với hơn 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào bào dân tộc miền núi. Bên cạnh đó, chính sách còn đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp.
Toàn tỉnh Điện Biên có 350.000 ha rừng. Phần lớn diện tích rừng được giao cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, UBND các xã quản lý, bảo vệ. Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, thu nhập ổn định từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương ngày càng được củng cố, nâng cao. Đến năm 2023, tổng thu tiền DVMTR trong năm đã tăng lên 215,916 tỷ đồng và chi trả cho bên cung ứng DVMTR hơn 254,565 tỷ đồng. Diện tích, chất lượng rừng cung ứng DVMTR tăng, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 43,54% vào năm 2022.
Thu nhập ổn định từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần đưa công tác bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Điện Biên.
Như vậy, sau hơn 11 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Điện Biên, diện tích rừng được bảo vệ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên. Người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả tiền DVMTR ngày càng cao, tạo động lực lớn để người dân sống gần rừng tiếp tục giữ rừng. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã có 4.840 chủ rừng, trong đó 3.763 chủ rừng là hộ gia đình, 1.022 chủ rừng là cộng đồng, 05 chủ rừng là tổ chức, 05 tổ chức khác, 45 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu hút cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho các hộ dân có rừng. Đến nay, nhiều hộ gia đình tại các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Lay... đã có cuộc sống thay đổi nhờ nguồn thu từ dịch vụ này, từ đó, đồng bào các dân tộc có nhận thức cao về diện tích rừng mình nhận khoán và tập trung đầu tư mua sắm phương tiện, vật dụng để bảo vệ rừng hiệu quả. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân, các chủ rừng có thêm thu nhập mà còn mang lại nguồn kinh phí để các thôn, bản xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống cộng đồng. Khi chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, bà con, cộng đồng sẽ yên tâm gắn bó với rừng, tập trung quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian qua đơn vị đã tiến hành kiểm tra diện tích, trạng thái một số lô rừng có biến động đang được hưởng tiền chi trả DVMTR thuộc các xã/thị trấn trên địa bàn các huyện thuộc lưu vực Sông Đà: Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé và TX. Mường Lay. Việc kiểm tra diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng chi trả DVMTR có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm kịp thời mang lại nguồn thu nhập và hơn thế là tiếp thêm động lực cho người dân. Việc đảm bảo quyền lợi cho các chủ rừng một cách kịp thời đã khẳng định tính hiệu của chính sách chi trả DVMTR trong quá trình thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, năm 2023, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả DVMTR được hơn 2,3 triệu đồng/hộ/năm. Điển hình tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có một số hộ gia đình có mức thu nhập từ chi trả DVMTR cao như: Cộng đồng bản Pa Ma, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 130 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Tả Ló San, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 121 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Long San, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 67 triệu đồng/năm... Sau khi kiểm tra, các diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR, người dân sẽ nhanh chóng được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để sớm được hưởng tiền chi trả DVMTR.
Người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: BĐBP.
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm đã góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng như trong phòng, chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tại những khu vực được chi trả DVMTR, người dân chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Ngoài ra, chính sách chi trả DVMTR đã huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng hàng năm: hơn 75.000 hộ (năm 2019), hơn 85.000 hộ (năm 2020), hơn 95.000 hộ (năm 2021), gần 96.000 hộ (năm 2022) và hơn 96.000 hộ (năm 2023).
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi. Cùng với nguồn thu từ hai dịch vụ chủ yếu là thủy điện và nước sạch, thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại dịch vụ môi trường rừng mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, đến nay đã thành lập gần 400 khu rừng đặc dụng, phòng hộ quản lý hơn 6,7 triệu héc-ta rừng và đất lâm nghiệp tập trung ở khu vực có hệ sinh thái đặc trưng trên cạn, trên biển, đất ngập nước, giữ vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, thông qua các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.
Thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thu đúng, thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở rà soát các hợp đồng ủy thác, các loại dịch vụ mới theo quy định, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp còn chây ỳ, nợ đọng kéo dài. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng phi tiền mặt đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để nâng cao tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong công tác giải ngân; xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cac-bon đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn theo quy định của Chính phủ. Đối với công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, thực hiện thường xuyên, liên tục từ Trung ương đến địa phương để kịp thời phát hiện xử lý những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Thu An
Bình luận