Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 11/09/2022 05:09
TMO - Châu Phi là khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nhưng lại ít nguồn lực để thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Cùng với việc kêu gọi quốc tế tài trợ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia tại khu vực này đang lên kế hoạch tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng sạch.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), những dự báo về tình hình thời tiết từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay cho thấy vùng Sừng châu Phi có nguy cơ bị khô hạn cao hơn mức trung bình. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) cảnh báo, vùng Sừng châu Phi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua.
Người dân ở đây đang phải đối mặt với nạn đói sau 4 mùa thiếu mưa liên tiếp. Thời gian tới sẽ là là mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp, trong đó 3 nước Ethiopia, Kenya và Somalia đứng trước nguy cơ lâm vào thảm họa nhân đạo chưa từng thấy do hạn hán.
Biến đổi khí hậu đã buộc các quốc gia ở châu Phi triển khai khẩn cấp kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu
Tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng sạch song song với phát triển kinh tế là nội dung chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia châu Phi tại COP27 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập. Liên minh châu Phi (AU) đang thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện của châu lục, mong muốn giúp hàng trăm triệu người dân châu Phi sử dụng điện và các nguồn năng lượng sạch để nấu ăn.
Trong mục tiêu “chuyển đổi năng lượng sạch”, châu Phi muốn tăng cường khả năng tiếp cận điện năng và các nguồn tài nguyên sạch cho hàng trăm triệu người dân. Ước tính khoảng 600 triệu người trong số 1,4 tỷ dân ở châu Phi sống trong tình trạng không có điện và khoảng 900 triệu người không có khả năng tiếp cận với nguyên liệu sạch phục vụ việc nấu nướng.
Một số nền kinh tế lớn ở châu Phi đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo như Trạm năng lượng Mặt trời Ourzazate của Maroc, Nhà máy năng lượng Mặt trời Kom Ombo của Ai Cập, Nhà máy địa nhiệt Menengai của Kenya, trang trại gió ở Hồ Turkana và Nhà máy năng lượng Mặt trời Jasper ở Nam Phi. Trong khi đó, các nước Kenya, Nam Phi và Nigeria đang đi đầu trong các dự án quy mô nhỏ hơn như lắp đặt tấm pin mặt trời độc lập để đưa điện đến các vùng nông thôn hoặc lắp các tấm pin trên mái nhà.
Thu Thảo
Bình luận