Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ sáu, 06/12/2024 14:12
Ngày nay, dù không còn khu rừng cổ thụ được vua Lý thưởng lãm trước đây, nhưng quần thể 12 cây cổ thụ có niên đại nên 700 năm, được công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 26/4/2023, gồm 9 cây muỗm và 3 cây nhãn tại chùa đây còn lại vẫn là những cây “thiêng”, lưu giữ những bản sắc hồn cốt của làng Việt cổ trong lòng phố thị hiện đại sầm uất Thăng Long – Hà Nội.
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường trân trọng gửi đến bạn đọc tác phẩm “Cây Di sản chùa Láng – Giữ hồn thiêng làng Việt xưa trong lòng phố hiện đại”. Đây là một trong 25 tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.
Tác giả: Ths. KTS PHẠM HOÀNG PHƯƠNG
(Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng)
Từ bao đời, gắn liền với đới sống nền văn minh nông nghiệp, cây xanh nói chung đặc biệt là các cây cổ thụ luôn được xem là một bộ phận quan trọng trong không gian kiến trúc và đời sống cộng đồng làng Việt. Cùng với giá trị về sinh thái, theo quan niệm truyền thống “vạn vật hữu linh”, tại các vị trí quan trọng như ở đầu làng hay trong khuôn viên các công trình tôn giáo tín ngưỡng, cây cổ thụ còn được xem là chốn linh thiêng bởi không chỉ là nơi trú ngụ của các vị thần linh bản địa, mà còn gắn liền với giá trị bản sắc văn hóa làng xưa. Trong không gian đô thị ồn ào náo nhiệt ngày nay, dù nét làng xưa đã có phần phai nhạt để nhường chỗ cho phố thị, nhưng những cây xanh di sản cổ thụ như tại chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), vẫn được gìn giữ và coi trọng, trở thành nhân tố quan trọng giữ hồn thiêng làng Việt xưa trong lòng phố hiện đại.
Ảnh tư liệu cho thấy nét cổ kính truyền thống đặc trưng vẫn còn lưu giữ trong không gian chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) đầu thế kỷ 20, đặc biệt là hệ thống cây xanh cổ thụ quy mô lớn trong và ngoài khuôn viên chùa (Nguồn: sưu tầm)
Nhắc đến chùa Láng, không ai không biết đến một ngôi cổ tự, một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, một trong những ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất của kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Với tên gọi trước đây là Chiêu Thiền Tự, chùa có niên đại hơn 900 năm tuổi, thuộc làng Láng là một trong các làng cổ quan trọng thuộc tổng khu Thập Tam Trại ven kinh thành Thăng Long xưa. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông(1138-1175) trên khu nền nhà cũ để thờ vua cha Lý Thần Tông. Theo câu chuyện dân gian về đạo và đời đầy mầu sắc huyền thoại của văn hóa truyền thống, chính vua cha Lý Thần Tông chính là sự tái sinh nhiệm màu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một nhân vật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Ngoài quy mô xây dựng ban đầu rất lớn, với hơn 100 gian, bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc gồm ba lớp tam quan mạng đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lý, dân gian còn truyền tụng danh xưng với ngôi cổ tự này là "Đệ nhất tùng lâm" chính bởi nơi đây sở hữu khu rừng cổ thụ lớn đẹp nhất phía Tây kinh thành Thăng Long, gồm nhiều loài giống cây gỗ quý đặc biệt giống cây tùng cổ thụ thân thẳng. Có thể nói, ngay từ khi khởi công xây dựng ban đầu, những cây xanh cổ thụ đã được xem là một trọng những nhân tố quan trọng để tạo lập giá trị bản sắc cho chùa Láng theo đúng tinh thần của làng Việt xưa. Với những giá trị văn hóa lịch sử và kiến trúc cảnh quan độc đáo, năm 1962, chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Không gian cây xanh với các cây di sản cổ thụ có chiều cao lớn, tỏa bóng mát trong sân chùa Láng, tạo dựng sự tôn nghiêm, sâu trầm của ngôi cổ tự cũng như lưu giữ vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan truyền thống làng Việt xưa (Ảnh: Phạm Hoàng Phương).
Trong bối cảnh đô thị hóa nóng, nhà cao tầng với bê tông và kính thép xây dựng san sát, hệ thống cây xanh trong chùa Láng, đặc biệt là nhóm các cây cổ di sản cổ thụ đóng vai trò là đảo cây xanh sinh thái rất có giá trị đối với cộng đồng cư dân tại chỗ cũng như toàn đô thị (Ảnh: Phạm Hoàng Phương)
Ngày nay, dù không còn khu rừng cổ thụ được vua Lý thưởng lãm trước đây, nhưng quần thể 12 cây cổ thụ có niên đại nên 700 năm, được công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 26/4/2023, gồm 9 cây muỗm và 3 cây nhãn tại chùa đây còn lại vẫn là những cây “thiêng”, lưu giữ những bản sắc hồn cốt của làng Việt cổ trong lòng phố thị hiện đại sầm uất Thăng Long – Hà Nội.
Giữa không gian đô thị ồn ào sôi động, các cây di sản cổ thụ tỏa bóng ngay tại cổng tam quan của chùa, ngay lập tức tạo ấn tượng mạnh và khắc sau hình ảnh về kiến trúc văn hóa truyền thống làng Việt xưa với người dân và khách tham quan chiêm bái (Ảnh: Phạm Hoàng Phương)
Chỉ vừa đứng bên ngoài cổng tam quan, các cây cổ thụ với chiều cao từ 25 -30 m, đường kính gốc trung bình khoảng 1,5m, tán lá rộng xum xuê, xanh mát mắt đã hiện ra nổi bật, tô điểm và hòa quyện hữu cơ với ngôn ngữ kiến trúc tam quan chùa đậm chất truyền thống làng Bắc Bộ. Bên trong sân chùa, mỗi cây một dáng, một vẻ nhưng tán cây đều vươn dài, để cùng ken vào nhau như những bàn tay che chở, ôm ấp lấy cái không gian chùa nhỏ bé, đã có phần bị lấn át bởi sự đô thị hóa nóng. Để rồi dưới bóng mát xanh tươi và tiếng chim hót líu lo, cảnh sắc nơi cổ tự linh thiêng càng trở nên trầm mặc, biến ảo thiêng liêng với nhiều lớp lang giao thoa của không gian và âm thanh, nhưng rất gần gụi, dịu hiền, như hình ảnh còn lại của chốn quê xưa.
Phố thị quận trung tâm nội đô giờ đông đúc lắm, nhà cao tầng thì san sát, nườm nượp nhưng những không gian cây xanh sinh thái lớn ngay trong khu dân cư thì ngày càng hiếm gặp. Do vậy, như sân chùa làng xưa, những hàng cây cổ thụ di sản chùa Láng trong cuộc sống ngày nay lại càng phát huy vai trò “đảo cây xanh sinh thái” cực kỳ quá giá để điều hòa khí hậu cũng như là không gian công cộng gần gũi, thiết yếu với cộng đồng dân cư.
Chả biết từ khi nào, vào các buổi sáng và chiều muộn, dù còn có nắng hay mưa nhẹ, các tán cây vẫn luôn dịu dàng che chở bóng mát để sân chùa trở thành những không gian nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi và luyện tập thể thao ngoài trời của trẻ em và người cao tuổi. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và nóng, đất vàng nội đô như tại Hà Nội bây giờ, điều này thật quý giá và không dễ có được.
Nhiều hoạt động thư giãn, thể thao nhẹ, giao lưu cộng đồng đa dạng diễn ra trong sân chùa dưới vòm lá xanh mát của hàng cây di sản cổ thụ trong sân chùa (Ảnh: Phạm Hoàng Phương).
Tiếp đó, trong những dịp tết nguyên đán đầu năm, hay ngày rằm và mồng một đầu tháng, những tán cây cổ thụ lại nghiêm cẩn chào đón nhưng phật tử, và du khách thập phương đến chiêm bái và thưởng lãm không gian sâu lắng chốn cổ tự giữa lòng thủ đô. Luôn có một sự trầm trồ không ngớt bởi không chỉ vẻ đẹp cổ kính linh thiêng không gian chốn thiền tự và cũng còn là sự kỳ vĩ từ vẻ đẹp của những tán cây di sản cổ thụ rất quý giá ngay trong lòng phố. Trong không khí tĩnh lặng và trang nghiêm, dường như mỗi người đều có thể thẩm thấu được một cách sống động và tự nhiên các giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan của nét văn hóa truyền thống xưa.
Đặc biệt, vào những này lễ hội truyền thống mồng 7/3 âm lịch hàng năm, những hàng cây di sản cổ thụ lại tưng bừng, tươi vui hòa nhịp theo những tiếng nhạc và làn điệu múa, nhịp chiêng trống rước kiệu và tế lễ vang lừng, đặc biệt là nghi thức “Đấu thần” mới được phục dựng đậm chất truyền thống dân gian xưa. Cả không khí náo nhiệt tưng bừng của bản sắc văn hóa truyền thống được những tán cây ôm trọn, lưu giữ và thổi bùng tình yêu quê hương đất nước, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người.
Lễ hội truyền thống chùa Láng và hoạt động chăm sóc cây di sản cổ thụ, giữ gìn vệ sinh hàng ngày (Ảnh: Phạm Hoàng Phương).
Cũng thật nhiệm màu, dù siêu bão số 3 - YAGI vừa qua càn quét dữ dội, làm gãy đổ hơn 10.000 nghìn cây xanh ở thủ đô Hà Nội kể cả những cây cổ thụ nhiều năm tuổi, nhưng nhóm cây di sản cổ thụ tại Chùa Láng vẫn sừng sững uy nghiêm, không gì lay chuyển. Trước tin vui này, người dân lại càng tin tưởng vào sự “linh thiêng” theo đúng nét đặc trưng văn hóa phong tục truyền thống. Để rồi, như sự cộng hưởng từ tấm chân tình của cây và người, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, cái ơn nghĩa làng xưa, tình yêu quê hương đất nước lại tiếp tục được nhân rộng và truyền lại một cách sống động, tự nhiên trong lòng người dân đô thị hôm nay và mai sau. Kết quả này càng được minh chứng thể hiện rõ từ chính hành động hàng ngày của cộng đồng và người dân như chăm sóc, bảo vệ cây di sản, gìn giữ và bảo tồn không gian cảnh quan kiến trúc ngôi cổ tự này.
Thật đáng quý và tự hào biết bao!
Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường được giao triển khai thực hiện. Cuộc thi được phát động triển khai từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024. Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm tốt nhất, phù hợp nhất để công bố, trao giải. Lễ công bố, trao giải được tổ chức ngày 26/11/2024 tại Hà Nội. |
Bình luận