Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 00:01
Thứ năm, 17/10/2024 08:10
TMO - Các địa phương đang trong quá trình phát triển kéo theo nhu cầu xây dựng lớn dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp, đắm nền đối với các dự án làm đường cao tốc. Do đó, việc dùng cát biển làm vật liệu được xem là giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay.
Theo đó, trong văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri TP. HCM về cần cân nhắc việc lấy cát biển thay thế cát sông thi công đường cao tốc; kiến nghị cần nghiên cứu kỹ khi triển khai thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do nguồn cát đắp nền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm, vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông trong khu vực như ý kiến của cử tri là hết sức cần thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trong đó đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực biển tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng 145 triệu m3 có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012, điều kiện khai thác khả thi, đồng thời chuyển giao kết quả Dự án cho UBND tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp mỏ cát biển phục vụ thi công một số dự án.
Nguồn cát biển được kỳ vọng giải quyết bài toán thiếu hụt vật liệu san lấp các dự án đường cao tốc khu vực miền Tây. Ảnh minh họa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức triển khai thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau, đã thành lập Hội đồng cấp Bộ, đánh giá và thống nhất sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô tại khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải.
Hiện nay, Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) tiếp tục sử dụng để thi công trên tuyến chính của Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau từ Km81-Km126+223 và đoạn tuyến nối từ Km6+522-Km16+510. Trên cơ sở kết quả thí điểm cát biển và đánh giá của Hội đồng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đủ điều kiện tổ chức triển khai thực hiện và tỉnh Sóc Trăng đang cấp mỏ để khai thác phục vụ thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, việc sử dụng vật liệu cho công trình thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng nguồn cát nhập khẩu theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sà lan chở những chuyến cát biển đâu tiên phục vụ thi công cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, kết luận sau chuyến khảo sát thực địa và làm việc với các Bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng để đưa vào sử dụng các tuyến giao thông kết nối liên vùng là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ giao và là nguyện vọng của Nhân dân. Đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ của các dự án, yêu cầu các Bộ, ngành theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương: Lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án theo tiến độ cụ thể; đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông; Từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất; Từ mở các mỏ mới; Từ việc tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); Trong đó phải tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng. Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân (ở trung ương, địa phương).
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng (phạm vi, điều kiện, các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công…) cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động nạo vét lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông kết hợp tận thu cát để làm vật liệu san lấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành thủ tục giao biển theo đúng quy định của pháp luật để UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu khai thác làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận