Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 03:11
Chủ nhật, 18/06/2023 13:06
TMO – “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối” - câu nói của đồng bào dân tộc H’Mông thể hiện đức tính chịu khó, vượt mọi khó khăn, thử thách, tập quán sinh sống của đồng bào Mông bao đời nay trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài 1. Công viên địa chất Đồng Văn
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích trên 2.354 km2, trải dài trên 4 huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Vùng đất cực Bắc này có độ cao trung bình từ 1400-1600m so với mực nước biển với 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa.
Công viên địa chất Đồng Văn.
Cao nguyên đá Đồng Văn vốn nổi tiếng là một vùng núi hẻo lánh, đường đi vô cùng hiểm trở, thiếu thốn về nước và đất rất nhiều nên đời sống của đồng bào dân tộc nơi đâu gặp nhiều khó khăn. Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi tập trung đầy đủ các loại hình địa chất và đa dạng sinh học, là nơi vô cùng thuận lợi để các nhà khoa học nghiên cứu về địa chất của khu vực cũng như địa cầu. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều sự kiện biến đổi địa chất vô cùng quan trọng. Cao nguyên đá là địa bàn sinh sống của gần 20 dân tộc anh em, mỗi một dân tộc lại có những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa riêng mang màu sắc khác nhau, từ đó đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hóa, tín ngưỡng của Cao nguyên đá Đồng Văn mà không phải địa phương nào cũng có được.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, Cao nguyên đá Đồng Văn có 11 hệ tầng địa chất gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại hơn 545 triệu năm. Cao nguyên đá Đồng Văn với bạt ngàn là đá núi. Đá dựng thành giăng lũy, đá bao phủ khắp núi non hiểm trở, lớp nọ chồng lớp kia đủ các hình thù kỳ dị như cuộc triển lãm các hòn non bộ kỳ vĩ, khổng lồ của đất trời. Đá vốn rắn đanh khắc khổ mà khi quần tụ bên nhau trên Cao nguyên Đồng Văn cũng như biết khoe mình làm dáng với thiên hình vạn trạng làm nên những “vườn đá”, “rừng đá” độc đáo. Ở nơi đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Trẻ em sinh ra, núm ruột hồng được vùi vào trong đá. Trai gái yêu nhau, tỏ tình bên bờ rào đá. Những phiên chợ rực rỡ sắc màu, cũng hiện lên từ đá. Đá làm nhà, làm bờ rào và giữ nước cho những mùa khô.
Góc nhìn từ trên cao.
Với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất hiếm. Và có lẽ, kỹ thuật canh tác trên miền đá xám Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những hình ảnh về cuộc mưu sinh không có ở bất cứ nơi đâu. Vào tháng Hai, tháng Ba sẽ thấy trên vững triền đá xám người dân nơi đây từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. Qua ba lần vun gốc và bón phân, qua những đêm dài khắc khoải lo lắng cầu cho mưa thuận, gió hoà những cây ngô nơi đây mới trổ hoa và ra bắp. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là một giọt mồ hôi. Để tháng Tám về, từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông nơi đây lại lên nương thu hoạch vụ mùa. Để những căn bếp lại thơm lừng mùi ngô mới. Để những khát vọng no ấm, hạnh phúc lại thôi thúc đồng bào nơi đây mạnh mẽ vươn mình lên trong lòng đá khô cằn.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022. Đánh giá cao giá trị của cao nguyên đá, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030.
Đặc sắc địa lý - địa chất
Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m. Đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Những "vết tích" này còn phản ánh hai trong số năm sự kiện lớn trong lịch sử sinh giới của Trái đất là những ranh giới tuyệt chủng sinh giới hàng loạt. Cụ thể là Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở ranh giới Frasnian-Famennian, khoảng 364 triệu năm trước, làm cho 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt và Biến cố sinh học Permi-Trias xảy ra cách đây 251 triệu năm trước, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.
Đối với những người nghiên cứu cổ sinh vật học, từng vách đá vôi hãy còn ghi lại hóa thạch của 19 nhóm sinh vật cổ có giá trị như cá cổ, hệ thực vật cổ đại, động vật tay cuộn (eurispirifer tonkinesis), hai mảnh vỏ, foraminifera, san hô, conodonta, crinoidea và động vật thân mềm. Tất cả tái hiện lại một câu chuyện cổ về một thời kỳ xa xưa của trái đất.
Tam giác mạch - loài hoa đặc trưng vùng núi Hà Giang.
Đa dạng sinh học
Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa. Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 300 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Nổi tiếng nhất nơi này là loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết (Rhinopithecus avunculus) thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.
Bài tiếp "Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối" (Bài 2)
BÙI HOÀNG
Bình luận