Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ tư, 06/04/2022 15:04
TMO - Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành phối hợp Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức thực hiện. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình giúp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình được thực hiện trong vụ lúa đông xuân 2021-2022, tại xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Trên 2ha ruộng với 4 hộ nông dân tham gia mô hình canh tác giống lúa Đài thơm 8 ((thời gian sinh trưởng 95-100 ngày).
Trong quá trình sản xuất, các ruộng lúa đều thực hiện theo quy trình canh tác lúa thông minh, thực hiện theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh thái, sử dụng các thiết bị hiện đại thay cho sức người lao động… giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất.
Mới đây, mô hình đã được tổng kết, ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Cụ thể, mục đích thực hiện mô hình giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán từ 150-200kg/ha xuống 80kg/ha. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng để tăng hiệu quả sản xuất lúa.
Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất
Đối với 4 hộ tham gia ruộng mô hình, trong đó có 1 hộ kéo hàng và 3 hộ phun bằng máy với lượng giống 80kg/ha. Trong khi đó, ruộng đối chứng sẽ sạ hoàn toàn bằng máy với lượng giống từ 160-180kg/ha, đúng theo tập quán sản xuất trước nay của nông dân. Sau thời gian canh tác, hiệu quả thu được rất khả quan, giảm được chi phí sản xuất, năng suất đạt nên lợi nhuận nâng cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.
Cụ thể, so với phương pháp canh tác của nông dân, khi tham gia mô hình canh tác lúa thông minh đã giúp bà con giảm chi phí sản xuất gần 4 triệu đồng/ha (do giảm lượng giống gieo sạ từ 150-200kg/ha xuống 80kg/ha; sử dụng phân bón hiệu quả; giảm công lao động, chi phí thuốc bảo vệ thực vật do áp dụng công nghệ sinh thái…). Nhờ vậy, đã giúp nông dân tham gia mô hình gia tăng lợi nhuận hơn so với tập quán sản xuất trước đây từ 2,5 - 6,3 triệu đồng/ha.
Khi tham gia mô hình các hộ nông dân được hướng dẫn về quy trình canh tác lúa thông minh với việc ứng dụng máy sạ cụm nhằm giảm lượng giống (từ 80-100kg/ha ở sạ hàng), giảm còn 40-50kg/ha khi sử dụng máy sạ cụm; kết hợp sử dụng phân bón thông minh để nâng cao hiệu quả cải tạo đất, kích thích tốt cho bộ rễ phát triển. Qua đó, nhằm thay đổi tập quán gieo sạ dày, làm tăng nguy cơ sâu bệnh khi bón thừa phân đạm, giúp bảo vệ môi trường.
Thúy Hằng
Bình luận