Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Thứ hai, 29/05/2023 08:05
TMO - Thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những thiệt hại do các yếu tố cực đoan của biển đổi khí hậu (BĐKH) như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, ngập lụt… gây ra trên địa bàn thành phố.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, để chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp trong năm 2023 ngành đã xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp ứng phó khô hạn, thiếu nước sản xuất.
Trong đó, phát động phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi để nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức, tinh thần trách nhiệm về tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi sau mỗi năm phục vụ sản xuất; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tưới tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc, sạt lở kết hợp với việc tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao, nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn; xây dựng mô hình thủy lợi khép kín để chủ động tưới tiêu và phòng chống úng, hạn đối với sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngành chức năng thành phố triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong cao điểm mùa khô.
Kế hoạch thực hiện các công trình thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh rạch, khai thông dòng chảy được ngành Nông nghiệp Thành phố triển khai thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9/2023. Cụ thể, dự kiến khối lượng, ngày công, kinh phí thực hiện kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2023 với tổng khối lượng nạo vét là 378.000m3; nâng cấp, gia cố đê bao với khối lượng khoảng 22.000m3; tổng ngày công thực hiện là 1.370 ngày; tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và vốn do nhân dân đóng góp.
Để chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, TP.Cần Thơ đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Bên cạnh đó, TP.Cần thơ đã thiết lập các trạm đo mặn phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, với 2 trạm đo mặn cố định và 1 trạm đo mặn lưu động trên sông Hậu thuộc địa bàn quận Cái Răng.
Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ quản lý, tập trung khai thác có hiệu quả từ Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP.Cần Thơ để ứng phó xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra, với các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này sẽ được kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó…
Ngoài ra, TP.Cần Thơ còn tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho người dân ở vùng nông thôn có nguồn nước sạch sử dụng và chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc tự động, nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn cũng như chất lượng môi trường nước, không khí, đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thành phố.
Ứng phó với nước biển dâng, giảm ngập úng, sạt lở bờ sông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác ứng phó với BĐKH của thành phố.
Cũng như nhiều đô thị ở vùng sông nước Cửu Long, TP.Cần Thơ ngày càng chịu nhiều tác động cực đoan, bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu như: ngập lụt, sạt lở bờ sông, kênh rạch, giông lốc, hạn hán,… với mức độ, quy mô ngày càng tăng. Để chủ động khắc phục những tác động bất lợi của BĐKH, những năm gần đây, thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển đô thị theo hướng thích ứng với BĐKH.
Để chủ động ngăn chặn sạt lở bờ sông, thành phố tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các dự án xây dựng kè hai bên sông Cần Thơ trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng; kè ven sông thuộc các quận Ô Môn, Bình Thủy; hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc tự động để nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn, kiểm tra chất lượng môi trường nước, không khí, đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Từ năm 2022, thành phố tập trung xây dựng Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn đến 2050; lập quy chế quản lý kiến trúc, đồ án quy hoạch chi tiết bảo đảm chất lượng làm cơ sở cho việc quản lý đầu tư xây dựng, mời gọi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị ứng phó với BĐKH, đô thị tăng trưởng xanh.
Để đảm bảo phát triển đô thị Cần Thơ bền vững, xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị sinh thái ở trung tâm vùng ĐBSCL, ngày 11.1.2022, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND, triển khai thực hiện Ðề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn thành phố.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, TP.Cần Thơ triển khai các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH đồng bộ, nhịp nhàng, có sự phối hợp chặt chẽ như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, công nghiệp, xây dựng; lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, nghề và các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Minh Hoàng
Bình luận