Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ ba, 15/03/2022 20:03
TMO – Dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang đứng trước cơ hội bứt phá trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, trong đó phát triển nông nghiệp là mũi nhọn, ưu tiên đầu tư.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2025, toàn vùng ĐBSCL phấn đấu tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3% mỗi năm. Tốc độ tăng thu nhập từ chế biến nông lâm thủy sản đạt trên 5%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.
Cùng với đó, tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững đạt trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn được xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch đạt 50%. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, thân thiện môi trường đạt trên 30%,…
Mô hình nhà ở chống lụt kết hợp bè nuôi cá đang được nhiều địa phương áp dụng.
Bộ NN&PTNT cho biết, để khắc phục những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đạt được các mục tiêu đề ra cho vùng ĐBSCL, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đổi mới chính sách đất đai, cho phép xây dựng cơ chế đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi đất lúa, nhất là những vùng chuyển đổi từ thâm canh lúa 3 vụ sang hình thức canh tác khác.
Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị cho hộ nông dân, kinh tế tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp. Đồng thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế tập thể và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực.
Bộ NN&PTNT sẽ phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp của vùng. Trong đó, đối với nguồn ngân sách Trung ương, sẽ xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm, cân đối và có kế hoạch cụ thể đối với các công trình hạ tầng thiết yếu cấp vùng và tiểu vùng. Ưu tiên đầu tư vào hiện đại hóa các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp. Tập trung thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với việc xây dựng hạ tầng giao thông huyết mạch; xây dựng hạ tầng các trung tâm hậu cần - vận chuyển; xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp chế biến sâu sản phẩm và các phụ phẩm tại các thành phố lớn; xây dựng hạ tầng tại các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng trung tâm của vùng chuyên canh chủ lực.
Theo các chuyên gia, cần tính toán thêm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp của vùng. Trong đó cần liên kết, phối hợp với các tổ chức xã hội xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp. Xây dựng Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, tổ chức quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp tại ĐBSCL.
Các chuyên gia cũng đề nghị cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Phương Điền
Bình luận