Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ sáu, 16/06/2023 13:06
TMO - Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong thúc đẩy hoạt động kinh tế-xã hội tại địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai – một trong 10 chỉ số thành phần PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đặc biệt quan trọng, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài.
Tiếp cận đất đai là một trong các chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm các điều kiện tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp dễ dàng, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đầu tư như: Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, cải cách thủ tục hành chính, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giới thiệu địa điểm phù hợp và hỗ trợ thủ tục hành chính thông qua các đơn vị xúc tiến đầu tư của tỉnh...
Năm 2022, chỉ số Tiếp cận đất đai của Vĩnh Phúc đạt 6.99 điểm, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, giảm 0.57 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2021, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo kết quả từ bảng điểm bộ chỉ tiêu thành phần của chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2022, Vĩnh Phúc có 10/14 chỉ tiêu tụt hạng so với năm 2021, thậm chí có chỉ tiêu giảm đến 50 bậc.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, Vĩnh Phúc đã xây dựng Phương án kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở chỉ tiêu quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh. Đồng thời, phê duyệt phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong phương án Quy hoạch tỉnh, dự kiến phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho các huyện, thành phố làm cơ sở để thực hiện việc thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu đầu tư hoạt động trên địa bàn.
Các huyện, thành phố đã tập trung rà soát danh mục các công trình dự án trong kỳ kế hoạch sử dụng đất cần thực hiện để trình UBND tỉnh phê duyệt, 9/9 huyện, thị đã được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết 43 vụ việc vướng mắc về cơ chế, chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB); 32 nội dung vướng mắc do UBND cấp huyện báo cáo, trong đó tập trung về xác định nguồn gốc đất đai; vướng mắc trong việc di chuyển, hoàn trả các công trình hạ tầng kinh tế đang sử dụng trong phạm vi GPMB.
Với những nỗ lực trên, một số chỉ tiêu trong chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đã ghi nhận kết quả tốt. Theo đó, đối với chỉ tiêu số ngày chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2021. Chỉ tiêu doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh bởi 65% doanh nghiệp có ý kiến cho rằng không gặp cản trở về tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng 32 bậc so với năm 2021. Chỉ tiêu thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định - Biến mới năm 2021 cũng tăng 29 bậc, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Hướng tới mục tiêu chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2023 nằm trong top 10 các tỉnh, thành trong cả nước, UBND tỉnh vừa có những chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Tất cả những hành vi vi phạm đất đai phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý, chậm phát hiện hoặc không cương quyết trong xử lý vi phạm thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đảm bảo chất lượng, đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi cao, có tầm nhìn dài hạn, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương, thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Đất đai; đối với đất lâm nghiệp phải được thực hiện thống nhất và đồng bộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai phát hiện có sự bất cập về giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất đặc biệt là những vị trí, khu đất giáp khu vực nhà nước đang và đã đầu tư hạ tầng xã hội (có sự chênh lệch so với giá thị trường) kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung giá đất, hệ số điều chỉnh cho phù hợp.
Công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo lợi ích của người dân, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất được UBND tỉnh chú trọng.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT quản lý chặt chẽ hồ sơ địa chính, các tài liệu đo đạc bản đồ, phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo đúng quy định, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 290/KH- UBND ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh, xử lý nghiêm khắc các trường hợp chậm đăng ký đất đai theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai đẩy nhanh công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo bản đồ địa chính. Hằng năm, đề xuất UBND tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các huyện, thành phố và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng phương án Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2030; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan thẩm định kỹ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đảm bảo Kế hoạch sử dụng đất có tính khả thi cao; đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng...
Sở Xây dựng tổ chức công khai và chỉ đạo công bố công khai các quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng. Chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình công tác quản lý nhà nước về xây dựng, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố.
Sở Giao thông Vận tải chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai thuộc hành lang đường bộ, đường sắt, thực hiện giải tỏa phạm vi hành lang an toàn theo chỉ đạo của tỉnh; Sở NN&PTNT chủ động nắm chắc tình hình quản lý nhà nước của ngành, kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp và pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; khẩn trương hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố theo dõi, thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất lâm nghiệp đảm bảo đúng quy định...
Hoàng Tuấn
Bình luận