Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ hai, 17/01/2022 11:01
TMO - Để phát triển thủy sản theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, ba năm gần đây, các tỉnh miền Trung đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá. Không những nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản mà hạ tầng nghề cá hiện đại, đồng bộ còn góp phần bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền trong quá trình khai thác trên biển.
Xác định kinh tế biển là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nghề cá các tỉnh miền Trung còn lạc hậu, xuống cấp nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của đội tàu xa bờ được đầu tư hiện đại.
Theo Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng được đầu tư khép kín tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang với diện tích khoảng 130 ha. Tuy nhiên hiện nay, cảng cá Thọ Quang đang quá tải do lượng tàu cá cập bến lớn. Với khả năng hiện tại, mỗi ngày Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận 55-60 tàu, cao điểm lên đến 142 tàu/ngày đêm, nên không đáp ứng được việc giải phóng nhanh hải sản cập cảng.
Cảng cá lớn nhất miền Trung - Thọ
Bên cạnh đó, năng lực thu gom, xử lý nước và rác thải còn yếu, dẫn đến mặt nước trong cảng thường xuyên bị ô nhiễm. Âu thuyền neo đậu tránh trú bão tại đây có 60 trụ neo đáp ứng cho khoảng 500 tàu thuyền song mỗi khi có bão, lượng tàu thuyền vào neo đậu gần 1.000 chiếc. Do quá tải khiến một số tàu cá bị va đập hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.
Tỉnh Quảng Bình có 6 địa phương ven biển hoạt động nghề cá. Ngoài ra, còn khoảng 500 tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên cập cảng bốc dỡ hàng hóa và dịch vụ. Tỉnh có hai cảng cá đang hoạt động, nhưng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% số lượng tàu cá cập cảng, còn 70% tàu thuyền phải cập ở các bến cá truyền thống để bốc dỡ nên làm tăng chi phí chuyến biển.
Ngay tại các cảng cá, cầu cảng ngắn và hẹp, thiếu các trang, thiết bị cơ giới phục vụ bốc dỡ hàng hóa. Mặt nước trong cảng cá thường xuyên bị bồi lắng cũng gây nhiều khó khăn cho các tàu xa bờ vỏ sắt mỗi khi cập vào. Quảng Bình có ba khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với quy mô neo đậu khoảng 1.200 tàu thuyền. Mỗi khi bão lũ xảy ra, các khu neo đậu đặc kín tàu thuyền tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do bị va đập.
Tỉnh Quảng Trị dự kiến mở rộng công năng tại cảng cá Cửa Tùng
Tương tự, tỉnh Quảng Trị hiện có hai cảng cá là Cửa Việt và Cửa Tùng, ngoài ra còn có cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ. Nhìn chung, các cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, cập bến của các loại tàu thuyền ngày càng có công suất lớn. Các trang, thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống xử lý nước thải, điện, nước, phòng chống cháy nổ... chưa bảo đảm khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đà Nẵng được xác định là một trong năm trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Hoàng Sa. Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng nghề cá tại đây.
Cụ thể, dự án nâng cấp Cảng cá Thọ Quang giai đoạn 1 sắp đưa vào sử dụng, bao gồm mở rộng cầu cảng số 2 lên 150 m, xây mới bến cập tàu 600 CV dài 150 m; san lấp mở rộng mặt bằng cảng thêm 3.700 m2 nhằm tăng diện tích cập tàu, bốc dỡ hàng hóa. Luồng tàu và vùng neo đậu được nạo vét để thuận lợi cho việc neo tàu và bảo đảm an toàn khi tàu cập bến. Hệ thống cơ giới hóa bốc xếp thủy sản được đầu tư để tăng khả năng bốc dỡ hàng hóa, giảm thời gian chờ đợi của tàu.
Để phát triển hạ tầng nghề cá, tỉnh Quảng Bình cũng đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng thêm các cảng, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp dịch vụ hậu cần thủy sản.
Tỉnh Quảng Bình chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại cảng cá Thanh
Đồng thời, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng các bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Mỗi bến cá dài khoảng 120 m, rộng 20 m, có tường chắn cát bằng bê-tông cốt thép, mặt sàn đổ bê-tông, lại có đường xuống tận bãi biển nên rất thuận lợi cho xe ô-tô lên, xuống để chở hải sản.
Tại Quảng Trị, địa phương này đang thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng hai cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng, khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt ở huyện Triệu Phong; đồng thời triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh diện tích hơn 20 ha, có quy mô năng lực đáp ứng sức chứa cho 300 tàu, lượng hàng hóa qua cảng đạt 70.000 tấn/năm.
Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song những năm gần đây, các tỉnh miền trung đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại và mang tính bền vững. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy sản mà còn bảo đảm sự an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển, giảm thấp nhất những rủi ro mỗi khi thiên tai, bão tố.
Nguyễn Ngọc
Bình luận