Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ tư, 07/06/2023 15:06
TMO - Những ngày này, khu vực miền Trung nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Vì vậy, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã sẵn sàng ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" trước mọi tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Trước tình hình đó, ngành kiểm lâm và các địa phương, đơn vị chủ rừng đang dồn sức phòng chống cháy rừng trong đợt cao điểm nắng nóng. Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Trong những ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, chỉ số khô hạn cao, các địa phương, đơn vị chủ rừng đang triển khai nhiều phương án cấp bách phòng, chống cháy rừng.
Để chủ động kiểm soát tình hình và kịp thời phát hiện, khống chế các đám cháy rừng, từ đầu tháng 5/2023, tất cả các địa phương và chủ rừng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành kế hoạch triển khai kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023. Địa phương này đã thành lập 345 tổ, đội bảo vệ, PCCCR (16 tổ, đội cấp huyện; 278 tổ, đội cấp xã; 51 tổ, đội của chủ rừng) với 7.287 người tham gia. Các tổ, đội này có nhiệm vụ chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực, phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy. Chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng đã đã làm mới, tu sửa 189,13km đường băng cản lửa, 19 chòi canh lửa, 248 biển tường cố định, 603 máy thổi gió, 135 cưa xăng.
Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 345 tổ, đội bảo vệ, PCCCR, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy rừng. Ảnh: MT.
Tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng chiếm tới 68%, địa hình đồi núi, thời tiết khắc nghiệt nắng nóng kéo dài, cùng với gió Lào thổi mạnh nên nguy cơ cháy rừng luôn đặt trong tình trạng báo động. Đặc biệt, vào thời kỳ nắng nóng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, cấp dự báo cháy rừng thường xuyên ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm cấp huyện, trạm Kiểm lâm các vùng phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong PCCCR. Lực lượng Kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương cấp xã, các chủ rừng tăng cường kiểm tra rừng tại các khu vực rừng giáp ranh, khu vực biên giới trong thời điểm nắng nóng.
UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng ứng trực 24/24 tại các chòi canh và tại thực địa ở những vùng trọng điểm cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát trong những ngày nắng nóng. Trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng phải lấy phương châm phòng là chính, Kiểm lâm chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng sát thực tế của địa phương, đơn vị và bảo đảm chủ động lực lượng, phương tiện, hậu cần chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: QĐ.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có hơn 305.560 hecta đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng trên 205.600 hecta, còn lại là rừng trồng. Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt những ngày qua, các huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế như Nam Đông, A Lưới mức độ cảnh báo cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa bàn tỉnh hiện có 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn gồm: Vùng Bắc Hải Vân-Phú Lộc, vùng Hương Thủy-Tây Nam thành phố Huế, vùng Hương Trà và tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng A Lưới và tuyến Quốc lộ 49 đi qua, vùng Phong Điền-Quảng Điền.
Để chủ động ngăn chặn xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đang yêu cầu các chủ rừng tăng cường lực lượng trực chòi canh, tuần tra, kết hợp với sử dụng công nghệ để nắm bắt diễn biến rừng nhằm chủ động phát hiện sớm các vụ cháy để có biện pháp xử lý kịp thời; đặc biệt yêu cầu người dân tạm dừng đốt thực bì trong thời gian này.
Để ứng phó với diễn biến thời tiết nắng nóng trên diện rộng hiện nay, đơn vị đã yêu cầu các Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp nghiêm túc thực hiện chế độ trực cháy. Các đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng cháy chữa cháy để chủ động dập tắt những đám cháy nhỏ ban đầu; đồng thời sẵn sàng huy động, phối hợp với các lực lượng khác khi có xảy ra cháy lớn theo phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”.
Tại Đà Nẵng, theo dự báo năm 2023, địa bàn thành phố, nguy cơ về cháy rừng rất cao do cường độ nắng nóng gay gắt hơn trung bình các năm, đồng thời nhiều cây bị gãy đổ bởi bão lũ năm 2022 tạo thành vật liệu dễ cháy trong những khu rừng. Để ứng phó với nguy cơ trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng bám sát mục tiêu “phát hiện sớm các điểm phát lửa, chữa cháy kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra”.
Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023. Đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng đến cộng đồng dân cư sống gần rừng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa cháy rừng…
Năm 2022, địa bàn thành phố xảy ra một vụ phát lửa gây cháy rừng (0,074 ha rừng trồng Keo và 0,695 ha thực bì) và 3 vụ cháy thực bì, không gây thiệt hại về rừng. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tham mưu các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí cho hộ trồng rừng để xử lý thực bì đúng theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp đốt thực bì sai quy định, gây cháy rừng.
Đang là cao điểm mùa khô năm nay, hiện cảnh báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ở cấp IV, cấp nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ừ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 15 điểm cháy trong rừng (tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái), hiện trạng cháy lan ra mặt đất, chủ yếu cháy trảng cỏ, cây bụi, không ảnh hưởng lớn đến cây rừng, không gây thiệt hại đến diện tích rừng.
Với diễn biến nắng nóng gay gắt hiện nay, có khả năng cấp dự báo cháy tăng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Chi cục đã thông báo sâu rộng đến từng thôn, xã và người dân việc nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng cũng như đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy. Để bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường kiểm lâm viên xuống các vùng trọng điểm về cháy rừng khảo sát, nắm tình hình để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện của từng vùng, phát động phong trào sâu rộng, kêu gọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
PV
Bình luận