Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Chủ nhật, 10/12/2023 12:12
TMO - Tỉnh Cà Mau hướng đến mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC tại những địa phương có điều kiện phù hợp.
Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Cà Mau là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254km, có trên 80 cửa sông thông ra biển. Phần lớn diện tích đất của Cà Mau đều có nguồn nước với chất lượng khá tốt, đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm, với trên 302.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 280.000ha nuôi tôm nước lợ.
Hiện nay, tôm Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland...). Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, thiết bị, công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới, công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế (SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P...). Tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, bốn thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.
Xã Trí Lực, huyện Thới Bình được biết đến là một trong những địa phương chuyên canh lúa – tôm đạt hiệu quả của tỉnh Cà Mau. Từ năm 2019, dự án nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC đã được triển khai tại địa phương này với 330 hộ tham gia. Mô hình này được địa phương đánh giá cao, mang lại hiệu quả tốt trong sản xuất. Năm 2022, xã Trí Lực, huyện Thới Bình có gần 600ha tôm-lúa đã được chứng nhận ASC cung ứng sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường (lúa-tôm) của vùng. Tính đến đầu tháng 12 năm nay, diện tích tôm-lúa được chứng nhận đạt trên 1.000ha, có 610 hộ tham gia mô hình này. Từ mô hình canh tác hữu cơ đã nâng tầm hạt gạo ST24 của xã Trí Lực.
Tỉnh Cà Mau hướng đến mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC. Ảnh: KC.
Qua rà soát cho thấy loại hình nuôi tôm chứng nhận ASC trên đất trồng lúa nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất đạt khoảng 300-500 kg/ha/năm (chỉ tính 1 vụ 6 tháng thả tôm 2 lần). Còn diện tích chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất chỉ đạt dưới 200 kg/ha/năm. Mô hình sản xuất tôm-lúa chứng nhận quốc tế mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững, đưa ra thị trường ra sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, đầu ra sản phẩm ổn định do được doanh nghiệp ký kết bao tiêu thu mua cao hơn giá trị trường khoảng 3.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của các HTX trên địa bàn xã Trí Lực, huyện Thới Bình, trước đây, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, không có liên kết trong sản xuất. Nông dân tự làm và tự mua bán sản phẩm với thương lái nên nhiều khi giá cả không được ổn định. Còn từ khi tham gia mô hình sản xuất tôm-lúa đạt chứng nhận quốc tế, nông dân đã có được ý thức sản xuất theo quy trình, liên kết sản theo chuỗi gia trị và giá cả đầu ra ổn định, bán sản phẩm được giá như nhau. Đặc biệt giá trị sản phẩm được nâng cao hơn nhiều so với trước, được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu thu mua hết sản phẩm của nông dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện tại đã có 1 Hợp tác xã đạt chuẩn này và một số Hợp tác xã đang áp dụng quy trình nuôi ASC. Đến nay, xã Trí Lực có trên 1.000ha trong số khoảng 2.670ha diện tích sản xuất tôm-lúa của xã đã đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC (lúa-tôm). Định hướng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, doanh nghiệp tập trung mở rộng diện tích vùng nuôi ở những khu vực còn lại của xã Trí Lực và mở rộng ra thêm nhiều xã khác ở vùng ngọt hóa huyện Thới Bình.
Mô hình sản xuất chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC (lúa-tôm) đã áp dụng thành công xã Trí Lực, đây cũng là chứng nhận quốc tế đầu tiên trên mô hình lúa-tôm ở Cà Mau và trong cả nước. Mô hình sản xuất này đã góp phần nâng tầm giá trị tôm sinh thái và lúa hữu cơ ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, đáp ứng yêu cầu chát lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu ở các thị trường khó tính trên thế giới.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau chú trọng xây dựng và nhân rộng loại hình nuôi chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, chuyển giao khoa học-kỹ thuật; kịp thời thông tin và cảnh báo về môi trường, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường tiêu thụ để người dân chủ động sản xuất đạt hiệu quả cao.
Từ thành công bước đầu nêu trên, các đơn vị trong chuỗi dự án cho biết, giai đoạn 2023-2032 sẽ triển khai mở rộng vùng nuôi lên 30.000ha tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Riêng tại vùng nuôi tôm của xã Trí Lực, trong giai đoạn 2 (từ 2023-2024) sẽ mở rộng quy mô vùng nuôi lên 150ha. Mục tiêu dài hơi của Dự án là thúc đẩy phát triển bền vững lúa-tôm; nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất có trách nhiệm và an toàn môi trường… Trong đó, thông qua thực hiện theo Tiêu chuẩn ASC, nông hộ nuôi tôm sẽ tăng năng suất tôm đạt 500 kg/ha (gấp khoảng 2 lần so với mô hình canh tác truyền thống); thu nhập tăng lên gấp 3 so với trước, và lợi nhuận đạt ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm; toàn bộ sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg…
Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Ngành tôm Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất, và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh này. Hiện toàn tỉnh này có khoảng 280.000 ha nuôi tôm, trong đó diện tích vùng lúa-tôm khoảng 38.000ha. Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau.
Theo kế hoạch Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm. Việc đạt được chứng nhận ASC Group (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.
Từng bước đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, không chỉ góp phần nâng cao giá trị con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giống, thức ăn, thuốc thú y đầu vào cho sản xuất.
Đồng thời liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, thậm chí liên kết với các nhà phân phối, nhà bán lẻ để bảo đảm sản xuất, chế biến, phân phối tôm nằm trong chuỗi khép kín. Địa phương sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng...
Minh Đức
Bình luận