Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 23/02/2025 13:02
Thứ hai, 08/01/2024 07:01
TMO - UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra cháy rừng và thiệt hại. Qua đó nhằm bảo vệ hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học khu vực rừng U Minh Hạ và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Cà Mau có đến 94.081 ha có rừng tập trung trong tổng số khoảng 143.683 ha đất lâm nghiệp cùng với hệ sinh thái đa dạng và phong phú với 3 vùng sinh thái. Cụ thể, đất rừng ngập phèn (rừng U Minh Hạ) với hơn 45.172 ha; đất rừng ngập mặn khoảng 97.940 ha; đặc biệt là đất rừng trên đảo rộng 571 ha. Khu vực rừng U Minh Hạ nằm trên địa bàn 2 huyện: U Minh và Trần Văn Thời, với 15 đơn vị trực tiếp quản lý và 8 xã có diện tích giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Ðất đai.
Ngoài ra, rừng cụm đảo do Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Hòn Khoai quản lý, gồm rừng cụm đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển) và Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời). Ðây là 2 khu vực rừng dễ cháy, cần đặc biệt quan tâm trong những tháng mùa khô; nhất là trước dự báo El Nino như hiện nay. Trước dự báo nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên phạm vi rộng, kéo dài, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô 2023-2024 sẽ là khoảng thời gian căng thẳng cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ thường xuyên cập nhật tình hình, cấp dự báo cháy, đảm bảo chủ động trong công tác PCCCR.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao nhiệm vụ cho các chủ rừng vùng U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện trực PCCCR; ứng phó kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống cháy rừng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư vùng rừng và toàn xã hội thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; theo dõi và thông tin kịp thời, chính xác cấp dự báo cháy rừng trong từng thời điểm để chủ động ứng phó; thực hiện các giải pháp công trình phục vụ công tác PCCCR như: Nạo vét kênh mương, gia cố, đắp đập trữ nước; xây dựng chòi quan sát lửa; mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR.
Các đơn vị có liên quan triển khai các lớp tập huấn, thực tập chữa cháy rừng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác chữa cháy rừng cấp cơ sở; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật trong công tác PCCCR như: Giải pháp hạn chế vật liệu gây cháy; trồng cây tạo băng xanh cản lửa;... Tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về PCCCR; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn trên địa bàn. Bố trí sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết và tổ chức xây dựng lực lượng PCCCR theo phương châm “04 tại chỗ..
Để chủ động, các đơn vị chủ rừng, địa phương đã chủ động đắp 85 cống, đập. Hiện nay, trên toàn lâm phần rừng U Minh Hạ hiện có 64 chòi quan sát kiên cố và 09 chòi canh di động và tạm thời; việc duy tu, bão dưỡng, sửa chữa để phục vụ tốt cho công tác PCCCR các chòi canh cũng đã hoàn thiện. Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho biết, đơn vị đã đắp 28 cống lớn, nhỏ xung quanh khu vực Vườn Quốc gia từ rất sớm nhằm giữ mực nước ổn định. Hiện đường thủy, đường bộ trong khu vực Vườn Quốc gia đều đảm bảo cho công tác cơ động lực lượng, phương tiện trong thực hiện các biện pháp PCCCR được tốt nhất.
Đối với rừng trên cụm đảo Hòn Khoai không đáng ngại vì không có dân sinh sống, lại chủ động về nguồn nước, lực lượng, đường giao thông thuận lợi. Điều đáng lo nhất là diện tích trên đảo cụm đảo Hòn Chuối, nhiều nguy cơ và khi có sự cố thì việc chữa cháy sẽ gặp rất nhiều khó khan. Hiện toàn lâm phần rừng U Minh Hạ và rừng cụm đảo được trang bị 115 máy (công suất lớn hiện có 66 cái) với tổng số vòi chữa cháy: 57.470 mét. Bình quân mỗi máy bơm có khoảng 500 mét vòi chữa cháy. Cùng với đó là 134 vỏ lãi, 12 xe chuyên dùng cho chữa cháy rừng.
Lực lượng chức năng tại các VQG, khu vực rừng thường xuyên tuần tra, đánh giá tình hình rừng để có phương án PCCCR hiệu quả.
Từ tháng 4/2023, Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau triển khai thực hiện dự án khoa học công nghệ “Lắp đặt camera chuyên dụng để quản lý, bảo vệ rừng, biển và khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau”. Triển khai dự án, camera giám sát được lắp đặt tại các điểm: Kinh Ranh (xã Ðất Mới), Biện Trượng (xã Lâm Hải), bãi bồi (xã Viên An), Khu Du lịch Mũi Cà Mau và rạch Trương Phi (xã Ðất Mũi), đảm bảo khép kín địa bàn quản lý.
Camera chuyên dụng có độ phân giải cao, phóng to, thu nhỏ 60 lần; mỗi camera quan sát được bán kính 8 km, quay 360 độ nên quan sát được đường kính 16 km. 6 camera quan sát được diện tích khoảng 29.043 ha, trong đó diện tích trên đất liền 12.072 ha và trên biển là 16.971 ha (phạm vi quan sát vượt 19.043 ha so với kế hoạch ban đầu). Khi kết nối, camera sẽ truyền hình ảnh, dữ liệu về ti vi và điện thoại di động thông minh để giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và khu vực bãi bồi.
Bên cạnh đó, giúp quản lý và quan sát xuyên suốt được 24/24, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc khai thác thuỷ sản trái phép, chặt phá cây rừng khu vực ven bãi bồi trên địa phận VQG Mũi Cà Mau; theo dõi, giám sát lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Từ khi triển khai thực hiện lắp đặt camera và thông tin tuyên truyền cho người dân biết được khu vực giám sát, thời gian hoạt động của các camera, nắm rõ việc giám sát và quản lý tài nguyên thiên nhiên trên địa phận VQG Mũi Cà Mau 24/24 giờ, đã góp phần nâng cao nhận thức chung cho người dân.
Chủ động các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài do tác động của El Nino trên địa bàn tỉnh, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09/CT - UBND. Theo đó, chỉ thị nêu rõ, Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, khuyến cáo các chủ rừng và người dân thực hiện tốt công tác PCCCR theo kế hoạch, phương án được duyệt. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền. Ðồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, đôn đốc, nhắc nhở các chủ rừng, địa phương, Nhân dân trên lâm phần thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR.
Ðể công tác PCCCR mùa khô 2023-2024 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất thì công tác phòng cháy vẫn ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa gần rừng, ven rừng trong mùa khô cũng như các hành vi vi phạm quy định liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
Thu Trang
Bình luận