Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ năm, 15/06/2023 23:06
TMO - Nhắc đến mảnh đất Trùng Khánh (Cao Bằng) là nhắc về miền cổ tích nơi biên ải phía Đông Bắc, mỗi địa danh, mỗi câu chuyện được gắn với sự tích của thiên nhiên hùng vĩ, những dòng sông, con suối, những ngôi làng cổ cùng những nếp nhà phủ đậm dấu ấn thời gian, của cả đất và con người nơi đây đã đưa chúng tôi tìm về với “miền cổ tích” Trùng Khánh.
Huyện Trùng Khánh nằm ở phía Đông, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 60 km. Vốn chúng tôi còn ôm đồm đi vòng vèo mấy huyện Cao Bằng để “thu hoạch” cảnh quan, nhưng địa danh mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và lưu luyến nhất vẫn là… Trùng Khánh. Nơi đây hội tụ đủ những gì khiến một lữ khách phương xa một lần đặt chân đến đây chẳng muốn dứt ra để về với phố phường xuôi ngược...
Mỗi ngọn núi, rừng cây, dòng sông, con thác của Trùng Khánh đều mang trong mình sự kỳ bí đến mê hoặc để ai lên đây cũng muốn được chìm đắm trong vẻ đẹp và được khám phá.
Trùng Khánh (Cao Bằng) có lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn với nhiều khu, điểm du lịch được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.
“Bức tranh thủy mặc” bên dòng Quây Sơn
Từ trung tâm Trùng Khánh đi thêm khoảng hơn 20 km là đến xã Đàm Thủy, nơi được dân xê dịch gọi là tiên cảnh có thật ở Cao Bằng. Trên đường đi, những thửa ruộng đang bắt đầu mùa nước đổ khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian để ghi lại những khoảnh khắc rực rỡ này. Điều kỳ diệu trong bức tranh mùa nước đổ ở đây là trên cùng một cánh đồng, nhưng có thửa đã gặt, thửa đang làm đất chuẩn bị cho vụ mới và thửa thì đã được cấy xong. Sự “lộn xộn” trong thói quen trồng cấy của người Tày, người Nùng đem đến nhiều bất ngờ trong bức tranh “mùa nước đổ” miền biên viễn. Sắc xanh của những thửa ruộng mới cấy, sắc nâu, vàng đan xen ngẫu nhiên khiến người ta có cảm giác như đang chứng kiến trọn vẹn một vụ lúa mới với đủ công đoạn từ làm đất, gieo trồng,...
Tại địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, sông Quây Sơn tạo ra thắng cảnh thác Bản Giốc đẹp không còn mỹ từ nào để mô tả. (Sông Quây Sơn khởi thủy từ Trung Quốc, chảy vào nước ta ở bản Nà Giào, xã Ngọc Côn. Một miền sơn cước đẹp bình dị hiện ra trên cung đường men bờ sông từ xã Ngọc Côn về xã Phong Nậm). Trừ những ngày có mưa lớn kéo dài, nước sông Quây Sơn quanh năm xanh màu ngọc bích. Thỉnh thoảng tôi lại thấy vài chiếc bè mảng của ngư dân đi đánh cá lạc lõng, cô liêu trên màu xanh mênh mang.
Trừ những ngày có mưa lớn, quanh năm nước Quây Sơn xanh màu ngọc bích.
Sông Quây Sơn hay còn gọi là sông Quế Sơn (người dân bản địa vẫn quen gọi là sông Quây Sơn), bắt nguồn từ các khe suối tại huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó chảy về hướng Nam, đến xã Ngọc Côn (Trùng Khánh) thì hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Rồi sông tiếp tục chảy theo hướng Đông Nam, đến phía Nam của xã Đình Phong và chuyển hướng Đông, Đông Bắc về xã Đàm Thủy rồi lại chuyển hướng Đông Nam. Đến khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, bờ Đông thuộc thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả (Trung Quốc), bờ Tây thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại cột mốc số 836 ở điểm giữa của mặt chính thác Bản Giốc. Sau đó sông trở thành đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mải miết đi theo dòng chảy của sông từ bản này sang xóm khác, tôi chợt nhận ra một nét "rất Việt" ở đôi bờ. Những khóm tre, khóm vầu từ ngàn đời đã mọc kín bên hai bờ sông. Tre, vầu giúp giữ đất ruộng, tạo bóng mát cho bà con nghỉ chân và đưa gió mát theo tiếng ru hời của những bà mẹ miền sơn cước.
Bên sông, những bãi bồi với đàn trâu thong dong gặm cỏ, hay có khóm lau trắng phất phơ, tạo nên khung cảnh đủ sức chinh phục được mọi giác quan khách đường xa, nhất là khi bình minh, sương khói lảng bảng trên mặt sông hoặc lúc chiều về, mặt trời hắt bóng loang loáng theo dòng nước.
Một trong những đặc trưng của Trùng Khánh là các thửa ruộng canh tác nằm uốn lượn bên sông cùng những rặng tre.
Cảnh quan thiên nhiên nơi đây đẹp tựa một bức tranh thủy mặc. Sông Quây Sơn đoạn chảy qua xã Đàm Thủy là điểm khởi đầu của thác Bản Giốc, gồm thác chính và thác phụ. Trong đó, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam, còn thác chính nằm ở khu vực biên giới Việt - Trung, gồm 3 tầng, rộng 300m, cao hơn 30m.
Thác Bản Giốc là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, là thác nước nằm trên đường biên giới lớn thứ 4 thế giới và lọt top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới. Năm 1998, thác Bản Giốc đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đây là điểm nhấn và là biểu tượng du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Cũng bởi vậy mà thác Bản Giốc là nơi du khách dừng chân đông nhất. Thác nằm giữa biên giới Việt – Trung nên có 2 tên. Nếu nhìn từ chân thác thì có 2 phần thác bên trái (gọi là thác phụ) và phần thác bên phải (gọi là thác chính). Thác phụ và một nửa thác chính bên tay trái thuộc về chủ quyền Việt Nam. Nửa còn lại bên phải của thác chính thuộc về Trung Quốc. Việt Nam gọi thác phụ là thác Cao, thác chính là thác Thấp nhưng gộp cả 2 phần thác thì gọi chung địa danh này là thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc luôn thu hút du khách đến thăm quan trải nghiệm.
Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang, khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh cây lá.
Nằm cách Thác Bản Giốc chưa đầy 3km chính là Danh thắng quốc gia động Ngườm Ngao. Hang động này dài khoảng 2km, phát triển trong núi đá vôi có chứa nhiều thạch san hô, được tạo thành ở vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Bên trong động là vô vàn nhũ đá, được người dân gọi tên theo hình dáng và màu sắc như: Thác vàng, cây bạc, ruộng bậc thang, núi lửa, đài sen và cột đá cô đơn... Sau nhiều năm khai thác tuyến 1 động Ngườm Ngao, tháng 4-2021, Công ty Cổ phần Du lịch Cao Bằng đã đưa vào phục vụ tuyến số 2: Khám phá động Ngườm Ngao - bản Thuôn với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm.
Sức hấp dẫn từ “làng đá” trăm tuổi
Mặc dù không phải là tín đồ mê kiến trúc, nhưng làng Tày cổ xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) là một điểm đến mà chúng tôi không thể bỏ lỡ bởi những kiến trúc nhà sàn độc đáo nơi đây. Từ tỉnh lộ 206 rẽ vào Khuổi Ky, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là về nét cổ kính, trầm mặc của ngôi làng nhờ cây cầu mái lợp ngói âm dương vắt qua dòng suối Khuổi Ky hiền hòa. Con đường dẫn vào làng được lát đá hộc. Hàng rào ngăn cách những ngôi nhà được xếp đá một cách công phu, đã tồn tại hàng trăm năm. Nơi đây hiện có 16 hộ gia đình người Tày sinh sống; điểm đáng chú ý là 14 ngôi nhà sàn bằng đá được xây dựng từ thế kỷ XVI, hiện vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu.
Làng đá Khuổi Ky là ngôi làng cổ của người Tày, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây được biết đến là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng.
Không giống như những ngôi nhà sàn được dựng bằng tre, gỗ như một số nơi, nhà sàn của người Tày ở Khuổi Ky được xếp bằng đá. Những viên đá có nhiều kích cỡ, nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, kết dính bằng hỗn hợp đá vôi trộn cát. Có bức tường xây dày đến 37 cm.
Theo các già làng nơi đây cho biết: Từ xa xưa, để xây dựng những ngôi nhà đá cổ như thế này rất khó khăn, bởi thời bấy giờ còn chưa có mìn nổ đá, cũng không có xe ô tô để chở. Mỗi gia đình, mỗi người phải tự đi đập từng tảng đá, sau đó nhờ anh em hàng xóm giúp xếp tường, đẽo cột gỗ… Để dựng được một ngôi nhà sàn bằng đá phải mất khoảng 2 - 3 năm. Diện tích nhà lớn hay nhỏ tùy thuộc vào số người trong gia đình. Mỗi ngôi nhà thường cao 5 - 7m, gồm 2 tầng.
Nét độc đáo ở Khuổi Ky là những ngôi nhà sàn làm bằng đá, lợp ngói âm dương có tuổi đời hàng trăm năm.
Đá là loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Tày ở Khuổi Ky. Đá có mặt ở mọi nơi, không chỉ để xây nhà mà còn được tạo thành vật dụng hằng ngày như cối xay, bếp lò hay làm hàng rào, đập nước... Bởi thế, ngôi làng đá Khuổi Ky ẩn chứa trong mình kho tàng tri thức bản địa độc đáo, tạo nên nét đặc trưng riêng có, đó là sự dung dị, hoài cổ như thể thời gian đã ngưng đọng sau bao thăng trầm của lịch sử...
Dừng chân bên hiên ngôi nhà đá to nhất làng Khuổi Ky, trên đầu lúc lỉu những bắp ngô vàng óng, lấp ló đằng sau là vài câu đối đỏ rực viết chữ Hán, anh Nông Văn Tình, cán bộ văn hóa xã Đàm Thủy tự hào nói: “Cao Bằng đẹp và hoang sơ. Ở đây chưa có quá nhiều khách du lịch nên khi dẫn khách trải nghiệm, bà con làm du lịch luôn chọn những tuyến đường ít người, vắng vẻ để khách thực sự hòa mình vào thiên nhiên, đem lại cảm giác mọi thứ đều dành riêng cho họ”.
Tổng diện tích của làng đá Khuổi Ky hiện khoảng 10.000m2, cùng lợi thế lưng tựa núi vững chắc và mặt hướng về không gian rộng suối Khuổi Ky trong lành quanh năm. Với tổng số 14 căn nhà được xây dựng bằng đá độc đáo, tạo nên vẻ đẹp bình yên, nhẹ nhàng đặc trưng của đời sống người dân tộc vùng biên giới.
Bảo tồn - “chìa khóa” phát triển du lịch
Mặc dù chỉ có hơn chục hộ sinh sống nhưng Khuổi Ky hiện là làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Cao Bằng. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khuổi Ky là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. Từ năm 2016, nhờ được chính quyền quan tâm đầu tư, người dân lại chịu khó học hỏi về cách làm du lịch cộng đồng, đến nay Khuổi Ky đã có 14 hộ gia đình tham gia mô hình này. Từ đây, họ có thêm nguồn sinh kế ổn định, chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện rõ rệt.
Trải nghiệm hát then, đàn tính tại không gian của Tày Homestay.
Anh Nông Văn Tình, cán bộ văn hóa xã Đàm Thủy chia sẻ: “Từ khi có nhiều khách du lịch đến đây, người dân làm du lịch nơi đây cũng được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ. Bây giờ, gia đình nào cũng tham gia làm du lịch, không đón khách lưu trú thì cung cấp dịch vụ phụ trợ như chở khách, cung cấp nông sản sạch cho các hộ làm homestay. Trẻ con được đi học đầy đủ. Người lớn được tiếp xúc với công nghệ và thế giới văn minh”.
Nhìn nhận về thành quả bước đầu đạt được trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy Trần Văn Phú chia sẻ: “Chìa khóa” tạo nên sức hấp dẫn của Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky nằm ở việc người dân và chính quyền địa phương đồng lòng gìn giữ không gian làng cổ, hạn chế xây sửa theo lối kiến trúc hiện đại, luôn chú trọng gìn giữ nét văn hóa bản địa đặc trưng. “Chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền để bà con hiểu được giá trị của những nếp nhà sàn đá cổ hay nét đẹp của trang phục truyền thống và những điều bình dị trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, bà con sẽ tự nguyện tham gia gìn giữ và giới thiệu nét đẹp văn hóa đó với du khách. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho ngôi làng đá cổ 400 năm tuổi ở miền biên viễn này”.
Những nếp nhà sàn đá cổ hay nét độc đáo trong văn hóa truyền thống và những điều bình dị trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày đều tạo nên sức hấp dẫn cho ngôi làng đá cổ hàng trăm năm tuổi này.
Theo ông Phú cho biết: Toàn xã Đàm Thủy hiện có 23 cơ sở lưu trú du lịch (nhà nghỉ, khách sạn, homestay) với trên 250 phòng nghỉ. Các cơ sở lưu trú đã được thẩm định và ra quyết định công nhận loại, hạng cho cơ sở đạt tiêu chuẩn. Thời gian qua, hoạt động dịch vụ homestay đã và đang phát triển trên địa bàn xã, chiếm hơn 50% so với dịch vụ homestay trên địa bàn huyện, góp phần mở rộng loại hình du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, thúc đẩy kinh tế du lịch của xã.
Qua hơn 02 năm dịch vụ lưu trú homestay tăng liên tục, năm 2021, trên địa bàn xã phát triển thêm 06 dịch vụ lưu trú homestay. Qua đó, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng cũng được cải thiện.
“Chúng tôi đang định hướng cho bà con phát triển du lịch cộng đồng dân cư và có 15 homestay tập trung ở làng Khuổi Ky. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở homestay đạt sản phẩm OCOP 2-4 sao là Lan homestay, Yến Nhi homestay. Bên cạnh đó, xã đã lập các đội văn nghệ hát then, hát lượn, đàn tính, dân ca… phục vụ du khách, tạo công ăn việc làm cho bà con. Để đảm bảo về vệ sinh môi trường, xã đã thực hiện công tác thu gom rác trong khu du lịch cũng như trong khu dân cư địa bàn xã Đàm Thủy, xử lý rác theo quy định. Hàng năm, Đàm Thủy phát động chương trình trồng cây xanh trong khuôn viên du lịch Thác Bản Giốc. Do lượng khách đến thăm quan khu du lịch thác Bản Giốc ngày càng đông, nhu cầu ăn uống của khách ngày càng lớn, chúng tôi luôn nêu cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng như các nhà hàng khách sạn trên địa bàn” Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết thêm.
Huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượt khách quốc tế chiếm 20%; Tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững
Tạ Thành
Bình luận