Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ ba, 24/10/2023 07:10
TMO - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 ( Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm giải quyết kịp thời tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo ổn định cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 31/3/2023 phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp và ổn định dân cư các vùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó có bố trí sắp xếp dân cư vùng biên giới, hải đảo và vùng thiên tai. Tỉnh cũng chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách với mục tiêu đến năm 2025, bố trí sắp xếp, ổn định dân cư cho 459 hộ gồm 1.609 nhân khẩu.
Để hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh tham mưu ban hành văn bản triển khai thực hiện các dự án 1 và 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các sở, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát để đề xuất đối tượng thụ hưởng chính sách. Trước đó, giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh đã hỗ trợ đất ở cho 332 hộ, hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề cho 594 hộ.
Tỉnh Quảng Ninh riển khai chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình có nhà tạm, dột nát để vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững (Ảnh minh họa).
Năm 2023, Quảng Ninh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là chính sách quan trọng giúp cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống, vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững.
Ban Dân tộc Quảng Ninh cho biết để giúp các địa phương khắc phục khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai và đạt kết quả khả quan về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thời gian qua, Quảng Ninh cũng tập trung thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, nhất là ở vùng DTTS, miền núi trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê là 139.313,79ha với 34.309 hộ; diện tích các hộ đang quản lý nhưng chưa giao, cho thuê là 18.163,69ha với 6.344 hộ và diện tích do UBND xã đang quản lý là 59.097,97ha.
Đảm bảo đủ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững được địa phương này triển khai hiệu quả.
Từ việc ổn định về đất ở, đất sản xuất, các địa phương tiếp tục tập trung phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững, tập trung vào việc quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững... 8 tháng năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung ở Quảng Ninh đạt trên 5.000ha; trong đó diện tích trồng lim, giổi, lát đạt 657,54ha. Đến nay đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách phát triển trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với diện tích 1.768,53ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho 896 hộ gia đình, cá nhân này để tham gia chính sách trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa là 38,47 tỷ đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ. trong giai đoạn 2016 -2020, đã hỗ trợ được 9.523 hộ về đất ở với diện tích 72 ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283 ha; 21.233 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó số hộ được hỗ trợ nghề nông nghiệp là 20.670, nghề phi nông nghiệp là 559, nghề khác là 4 hộ. Qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ du cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.
Từ năm 2021 đến nay, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được quy định tại Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được quy định tại dự án 2 của Chương trình này. Bên cạnh đó mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được nâng lên, cụ thể như: Các hộ được hỗ trợ đất ở sẽ được Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, Ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng/hộ; các hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ.
Việc triển khai công tác này còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, trong các giai đoạn trước, mặc dù đã có nhiều Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng do nguồn lực được phân bổ rất hạn chế, nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Đặc biệt, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.
Đến nay, Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành, nguồn vốn đã được phân bổ; nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, dẫn tới việc các địa phương khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đời sống và sản xuất của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).
Minh Thu
Bình luận